Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2018 tiếp tục là năm tâm điểm cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Vậy vì sao phải cổ phần hóa DNNN?
Ảnh nguồn internet
Ảnh nguồn internet
Ai cũng biết, bao năm nay, vốn ngân sách đổ vào các DNNN là hết sức lớn. Tuy nhiên, hiệu quả thu được lại không cao. Nhiều DNNN làm ăn thua lỗ, cứ bám mãi vào “bầu sữa” ngân sách. Sự năng động, sáng tạo, kỹ năng làm việc cũng vì thế mà không phát huy được. Trái lại, sự ỷ lại, thậm chí lợi dụng đục khoét lại gia tăng cùng năm tháng.
Vì thế, cổ phần hóa là việc làm tất yếu vì chính những DNNN, để những doanh nghiệp này sau khi tái cấu trúc sẽ tự mình vươn lên, tự chủ trong sản xuất kinh doanh. Và khi “tay phải làm để hàm được nhai” thì chắc chắn sẽ làm tốt hơn vì không còn biết dựa vào ai nữa. Tự mình phải làm việc, phải sáng tạo, phải phát triển nếu không muốn bị phá sản.
Trong khi đó, Nhà nước lại thu được số tiền rất lớn từ thoái vốn khỏi các DNNN và sẽ dùng tiền đó cho những mục đích ích nước lợi dân.
Quyết liệt cổ phần hóa vì thế là một slogan chủ đạo trong năm 2018. Vì chỉ tính riêng năm 2017, giá trị vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa được xác định lại đã bằng 85% tổng giá trị phần vốn nhà nước ở các doanh nghiệp đã cổ phần hóa cả giai đoạn 2011-2015… Tốc độ cổ phần hóa tăng mạnh mẽ đồng nghĩa với những doanh nghiệp cổ phần hóa chính thức hoạt động, mang lại lợi ích cho người lao động, tăng phần đóng góp cho ngân sách nhà nước, chính là để mục tiêu “dân giàu nước mạnh” nhanh chóng trở thành hiện thực. Có thể nói, sau quá nhiều năm thì tới nay, vai trò của các DNNN đã đi vào đoạn cuối của hành trình. Từ đây, một giai đoạn mới, một chương mới trong kinh tế sẽ được mở ra, các doanh nghiệp tư nhân cũng như các doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ bình đẳng với nhau trong nền kinh tế thị trường và Nhà nước chỉ làm nhiệm vụ của một “nhạc trưởng”, của người đưa ra và điều hành chính sách chứ không phải của một nhà kinh doanh.
Nhiệm vụ đặt ra đối với tái cơ cấu DNNN năm 2018 là phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 86 doanh nghiệp, bao gồm 22 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017 và 64 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2018 theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục DNNN hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017-2020. Riêng tại Gia Lai, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành, trong năm 2018 cần hoàn thành việc cổ phần hóa đối với 2 DNNN cuối cùng trên địa bàn tỉnh gồm Công ty Cà phê Gia Lai và Công ty Chè Biển Hồ. 
Lộ trình đã rõ, chính sách đã duyệt, chỉ còn thực hiện sao cho có hiệu quả nhất. Việc đánh giá vốn doanh nghiệp trước cổ phần hóa phải được thực hiện một cách công khai minh bạch và sát, đúng, không cho phép bất cứ sự “ù xọe” nào nhằm giảm vốn, đưa phần thiệt hại cho Nhà nước chịu.
Với chủ trương cổ phần hóa các DNNN, Chính phủ đã trở về đúng vị trí chỉ huy nền kinh tế của mình: Đó là sự chỉ huy về chính sách chứ không hề can thiệp vào hoạt động cụ thể của thị trường, tạo điều kiện cho thị trường phát huy hết tiềm lực và khả năng tự điều chỉnh của mình. Vốn nhà nước từ nay chỉ làm việc công ích, bảo vệ đất nước, an sinh xã hội, chăm lo cho y tế và giáo dục.  
 Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.