Chống hủy hoại đất nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mới đây, Bộ Nông nghiệp và PTNT thừa nhận: Ít nhất có 2,2 triệu ha đất canh tác nông nghiệp đã bị hủy hoại bởi phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Không chỉ nhập tràn lan từ nước ngoài 2 loại “phân” và “thuốc” này, chính Bộ Nông nghiệp và PTNT đã cấp phép tràn lan cho rất nhiều cơ sở sản xuất phân bón vô cơ, kể cả những cơ sở không bảo đảm chất lượng, thậm chí có những cơ sở sản xuất phân bón giả. Bây giờ mới vỡ ra, nhận ra tác hại kinh khủng của “phân” và “thuốc” này, e có quá muộn màng?

Nông nghiệp thế giới không phải từ chối sản xuất và lưu hành phân bón vô cơ. Tuy nhiên, họ luôn kiểm soát chặt chẽ số lượng và chất lượng loại phân bón này, đặc biệt là chỉ dẫn cụ thể cách sử dụng trên từng loại đất khác nhau với hàm lượng tương thích, đồng thời yêu cầu sử dụng phân bón hữu cơ với tỷ lệ hợp lý nhằm bảo vệ cho sự sống của đất nông nghiệp.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chuyện phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật tàn hại, giết chết sự sống của đất nông nghiệp đã được giới khoa học thế giới biết và cảnh báo từ rất lâu rồi. Ngành nông nghiệp Việt Nam cũng đã biết về nguy cơ này từ rất lâu. Nhưng vì sao mãi tới khi có 2,2 triệu ha đất canh tác nông nghiệp bị hủy hoại bởi phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật thì ngành này mới nhận ra và tổ chức hội nghị về phân bón hữu cơ?

Lý do cho cơ sự này cũng dễ hiểu: Vì nguồn lợi mang lại từ việc sản xuất, phân phối, tiêu thụ phân bón vô cơ và các loại thuốc bảo vệ thực vật là vô cùng lớn. Những tập đoàn, công ty chuyên sản xuất và phân phối 2 loại “phân” và “thuốc” này, không kể những doanh nghiệp trong nước, thì hầu hết là những tập đoàn và công ty xuyên quốc gia. Gần nhất là những tập đoàn và công ty đến từ Trung Quốc. Lợi nhuận khổng lồ từ việc sản xuất và phân phối 2 loại mặt hàng này đã khiến họ không thể ngừng lại được, dù đã có bao nhiêu cảnh báo khoa học khẩn thiết về chuyện sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ riêng trong mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật đã có hàng trăm loại khác nhau, chúng đổ vào Việt Nam qua rất nhiều con đường, trong đó có cả con đường nhập lậu, đường tiểu ngạch không được kiểm soát.

Việc sử dụng phân bón hữu cơ, gây dựng lại mạng lưới thiên địch trên đồng ruộng là không thể chậm trễ, nếu không muốn tới một ngày tất cả đất nông nghiệp Việt Nam bị bạc màu, chai lì, không canh tác được hoặc canh tác được nhưng cho chất lượng sản phẩm rất thấp.

Khi tất cả các nền nông nghiệp hiện đại trên thế giới đều quay trở lại với phân bón hữu cơ, với quy trình sản xuất sạch, với mối quan tâm đặc biệt tới sự sống của đất nông nghiệp, với quy định phải cho đất nghỉ, cho đất “thở”, chứ không phải như câu thơ hồi trước ở ta: “Không cho đất nghỉ không ngừng tay ta”. Đất cũng là một tổ hợp sống, không cho đất nghỉ thì khác nào hành hạ đất, bắt đất phải làm việc quá sức, dẫn tới đất mất sức sống, thậm chí bức tử đất.

Còn tất cả những loại phân bón vô cơ, những loại thuốc lấy danh nghĩa “bảo vệ thực vật”, về thực chất đều là những loại hóa chất độc hại không chỉ tàn phá, gây ô nhiễm đất mà còn đầu độc các loại thực vật được trồng trên đất. Đó là một thực tế đau lòng mà bây giờ mọi người đều thấy. Nhưng để người làm nông nghiệp đoạn tuyệt với phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật thì phải có phân hữu cơ và các loại thuốc hữu cơ bảo vệ thực vật không độc hại thay thế.

Với nông nghiệp Việt Nam, giải pháp thay thế quyết liệt này chính là một cuộc cách mạng, để cứu sinh mạng người tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp, cứu đất đai nông nghiệp đang bị hủy hoại và cứu chính nền nông nghiệp của đất nước khỏi thảm họa bị từ chối và rẻ rúng.

Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.