Làm sao sản xuất giống?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã có rất nhiều hội thảo bàn chuyện làm sao để có giống mía tốt, chữ đường cao, ít nhất là ngang ngửa với Thái Lan-quốc gia sản xuất đường mía lớn nhất khu vực và có hạng trên thế giới. Nhưng rồi sau những hội thảo ấy, giống mới do Việt Nam sản xuất vẫn không thấy xuất hiện trên đồng ruộng. Có thời gian chỉ trong 3 năm, ngành mía đường Việt Nam đã nhập khẩu tới… 4.000 giống mía khác nhau trên khắp thế giới, đi ngược hoàn toàn với xu hướng sản xuất của thế giới.

Cơ sự chỉ vì nghiên cứu sản xuất ra một giống mới, dù là giống cây trồng hay giống vật nuôi, là việc không hề dễ dàng. Việt Nam hiện có rất nhiều tiến sĩ, nhưng rất thiếu những nhà khoa học có khả năng nghiên cứu tạo ra những giống mới trong lĩnh vực nông nghiệp.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Thêm nữa, chúng ta sống quá gần Thái Lan-quốc gia hàng đầu trong khu vực và có thứ hạng trên thế giới về nghiên cứu và sáng tạo giống mới. Rất nhiều giống cây trồng của Việt Nam hiện tại đều nhập từ Thái Lan và chỉ nhập được những loại giống F1 hay F2, chứ không bao giờ nhập được giống gốc. Những loại giống này thời gian đầu cho kết quả rất tốt, nhưng chúng nhanh chóng thoái hóa chỉ sau mấy năm và kèm theo đó là sự thoái hóa về chất lượng sản phẩm từ cây trồng. Thoái hóa giống nhập khẩu là điều không thể khác, vì đó toàn là giống F1, F2. Muốn có giống gốc thì phải tự mình tạo ra.  

Về chuyện thoái hóa giống nhập khẩu, một vị lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng, về lâu dài, nguy cơ tiềm ẩn mất thị trường xuất khẩu của nông sản Việt Nam nằm ở chất lượng sản phẩm suy giảm do sự thoái hóa giống. “Khó khăn cho nông sản Việt Nam trong những năm tới đã có thể dự báo ngay từ bây giờ”, những cảnh báo như thế không khó để nói ra, nhưng giải pháp thế nào, làm sao khắc phục thì vẫn chưa có câu trả lời.

Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm tạo nên một trung tâm giống cây trồng và vật nuôi cho cả đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng vấn đề cốt lõi, như Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói là: “Liệu TP. Hồ Chí Minh có đủ tiềm lực để nghiên cứu và tạo ra giống không, có đủ đáp ứng cho cả vùng hay không? Quan trọng là làm sao tạo động lực phát triển cho thành phố bằng sức cầu của khu vực”.

Nhu cầu giống mới và tốt bao giờ cũng lớn, nhưng tạo được ra chúng không hề đơn giản. Thành phố Hồ Chí Minh có điều kiện để “khởi nghiệp” cái sự nghiệp lớn này, nhưng đây là việc mà cả nhà nước và tư nhân cùng phải hợp tác để làm. Đó là hình thức hợp tác công-tư mà những nước phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan đã làm rất tốt. Những mô hình thành công để chúng ta học tập và ứng dụng đã có rất nhiều, nhưng nếu không có sự sáng tạo tự thân thì không bao giờ chúng ta tạo ra được những giống mới đáp ứng đúng và đủ cho nhu cầu thị trường.

Nếu kiến tạo được trung tâm nghiên cứu sản xuất giống mới thì phải tính tới đầu ra, từ giá thành tới giá bán và cuối cùng là chất lượng giống. Vì giống mới, giống tốt trên thế giới không thiếu, ngay nước gần ta là Thái Lan cũng thừa đủ để cung cấp cho chúng ta với mức giá chấp nhận được. Sự cạnh tranh là điều bắt buộc khi nghiên cứu và sản xuất giống mới. Nếu chúng ta thua ngay trên sân nhà thì câu chuyện “nhập khẩu giống” lại tiếp diễn và nguy cơ thoái hóa giống dẫn tới không bán được sản phẩm ra nước ngoài hoặc phải chấp nhận bán với giá thấp là không tránh khỏi.

Những nhà hoạch định chính sách nông nghiệp không phải không nhận ra những vấn đề khó khăn ấy. Tuy nhiên, để thực sự bắt tay vào giải quyết vấn đề này thì lại phải căn cơ từ đội ngũ các nhà chuyên môn tới điều kiện làm việc và nhất là kết quả giống mới có “sống được” ngay trên mảnh đất Việt Nam hay không? Phải thành lập một số trung tâm giống tập trung và cung cấp được giống tốt với mức giá cạnh tranh thì nay mai chúng ta mới có được những bộ giống mới “made in Viet Nam” thực sự. Bấy giờ, nông nghiệp Việt Nam mới có thể cất cánh bằng chính nội lực của mình.

Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

(GLO)- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 26-3-2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.