Gần hơn "ốc đảo" Kon Pne

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nằm lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi, “ốc đảo” Kon Pne hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Do vậy, từng mét đường bê tông hoàn thành mỗi ngày cũng là điều mong mỏi, khấp khởi của người dân địa phương.
Con đường “liên thông” này sẽ giúp xã Kon Pne ngày một gần hơn với những đổi thay trong tương lai, không những tạo thuận lợi cho người dân lưu thông mà đặc biệt hơn, các sản phẩm nông nghiệp nơi đây không còn chịu cảnh ép giá.
Con đường mong đợi
Sau 2 ngày nghỉ, nhiều cán bộ xã, thầy cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne từ trung tâm huyện trở lại nơi công tác. Nhiều tháng nay, tuần nào cũng vậy, họ vui mừng thấy con đường mỗi ngày được nối dài thêm, nhiều đoạn đã hoàn thành. Những mảng bê tông còn mới nguyên, phảng phất mùi hăng nồng của xi măng. Các xe gạn, xe lu thi nhau làm việc khiến khu vực rừng núi vắng vẻ bỗng trở nên nhộn nhịp, sôi động.
con đường là niềm mong
Người dân xã Kon Pne (huyện Kbang) ngày một gần hơn với những đổi thay trong tương lai khi con đường "liên thông" sắp hoàn thành, thời gian đi lại được rút ngắn, giá bán nông sản theo đó cũng được tăng lên. Ảnh: M.N
Tuyến đường trung tâm xã Kon Pne đang được đơn vị thi công gấp rút triển khai, dự kiến hoàn thành trong tháng này. Khỏi phải nói người dân ở đây vui mừng như thế nào, bởi đây là con đường họ mong mỏi, chờ đợi từ rất lâu. Thầy Phạm Văn Hinh-Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne-người có hơn 15 năm gắn bó với mảnh đất này, hồ hởi cho biết: Năm ngoái, tuyến đường trên đỉnh đèo đã được trải thảm bê tông, thầy cô từ thị trấn Kbang vào đây dạy học đỡ vất vả hơn. “Thời tiết đẹp, trời nắng, đường khô thì đi xe máy chỉ mất gần 2 giờ là đến trung tâm xã. Nếu “lỡ xui” gặp trời mưa thì phải mất hơn 4 giờ. Nay đoạn đường từ chân đèo nối đến trung tâm xã cũng sắp hoàn thành, mọi người ai nấy đều cảm thấy phấn khởi. Thời gian đi lại càng được rút ngắn hơn”-thầy Hinh nói.
Theo thầy Hinh, ngày trước, để vào được xã Kon Pne phương tiện duy nhất là lội bộ… mất gần cả ngày. Xe máy chỉ vào được đến làng Kon Lok 2 (xã Đak Rong), từ đây bắt đầu lội bộ men theo con đường mòn hẹp, dốc cao và quanh co liên tục, một bên vách núi còn bên kia là vực sâu hun hút, nếu không cẩn thận dễ bị trượt dốc gây nguy hiểm đến tính mạng. Đến được nơi công tác chẳng dễ dàng chút nào nên mỗi tháng thầy, cô ở đây mới dám nghĩ đến việc về nhà 1 lần. 
Ông Trương Văn Tư-Bí thư Đảng ủy xã Kon Pne cho hay: Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đường vào xã Kon Pne đã dần được cải thiện, tuy có chỗ còn giồng xốc và những đoạn cua phải nín thở mỗi lần qua bởi còn nhiều đoạn đường đất nhưng ô tô đã vào được tận trung tâm xã. “Lúc trước UBND xã đứng ra giúp bà con mua giống cây bời lời từ TP. Pleiku về trồng, đến đoạn đường vào xã thì xe ô tô liên tục nhảy múa, lắc lư, đến nơi các bầu giống đều bị vỡ hết, tỷ lệ sống của cây rất thấp”-ông Tư cho hay.
Đổi thay cho tương lai
con dường

Con đường mỗi ngày được nối dài thêm trong niềm vui mừng, khấp khởi của người dân địa phương. Ảnh: M.N

Xã Kon Pne cách thị trấn Kbang khoảng 80 km về phía Tây Bắc. Từ trung tâm huyện, con đường nhựa Trường Sơn Đông với thảm nhựa phẳng lì chạy ngang qua tận ngã rẽ đi vào xã. Từ ngã rẽ này, đi hết địa phận xã Đak Rong mới đến khu vực giáp ranh xã Kon Pne. Từ đây, sau khi vượt qua đoạn đường đất hơn chục km đường đất mới đến được chân đèo, rồi vượt hơn 20 km đường đèo mới vào được trung tâm xã bởi Kon Pne nằm lọt thỏm giữa rừng sâu, thung lũng hoang sơ bao quanh. 
Cũng chính vì sự cách trở về giao thông, vận chuyển khó khăn khiến nông sản của người dân trước đây thường bị chi phí vận chuyển “ăn” hết nửa, còn nếu để lại thì các sản phẩm làm ra cũng chẳng biết bán cho ai. Đời sống của người dân vùng khó vốn đã khổ lại càng thêm khó. Thế nhưng, giờ đây, con đường trung tâm xã sắp hoàn thành đang mang đến nhiều kỳ vọng trong tương lai cho người dân ở thung lũng Kon Pne. “Trước đây, đoạn đường này rất khó đi, mất nhiều thời gian, vận chuyển hàng hóa nông sản tốn kém, chi phí xe cộ ngốn hết. Giờ đường sá thuận lợi hơn, giá nông sản theo đó tăng lên. Ngày trước, bắp chỉ bán được 1.000 đồng/kg nay bán với giá 1.500 đồng/kg là ví dụ đơn giản, dễ nhận thấy nhất”-ông Lê Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne phấn khởi cho biết.
Ông Nguyễn Ngọc Thiện-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hoàng Lương khẳng định: Đoạn đường đang thi công tại trung tâm xã khoảng 10 ngày nữa là hoàn thành, hiện chỉ còn một vài đoạn đang đắp lề, lu lèn 2 bên đường để chủ đầu tư kiểm tra, nghiệm thu công trình. Ông Thiện cho biết, năm nay do mưa nhiều ảnh hưởng đến việc thi công, đặc biệt là việc vận chuyển nguyên liệu từ ngoài huyện vào. “Nhiều khi phải mất cả tuần xe chở xi măng mới vào được đến xã, khó khăn nhất là phải đi qua đoạn ngầm nơi cầu đang xây. Ngay cả xe bán tải còn khó qua được đoạn này chứ nói chi đến các xe tải chở nguyên liệu nặng như xi măng, cát, đá”-ông Thiện nêu khó khăn. 
thầy cô
Con đường hoàn thành giúp thầy cô từ thị trấn Kbang vào xã Kon Pne dạy học đỡ vất vả hơn. Ảnh: M.N
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne Lê Văn Quang, từ các nguồn vốn của Dự án giảm nghèo Tây Nguyên, chương trình nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (chương trình 135), năm 2017 địa phương đã tập trung ưu tiên làm đường trục xã dài hơn 2,3 km, với nguồn vốn hơn 4 tỷ đồng. Con đường có kết cấu bê tông xi-măng rộng 3,5m, dày 20 cm. Trước đó, đoạn đường trên đèo dài 12 km được ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 21 tỷ đồng cũng vừa hoàn thành vào cuối năm 2016. “Đoạn đường mới sẽ nối liền với đoạn đường đã hoàn thành này, như vậy từ trung tâm xã đến qua khỏi đèo sẽ được liên thông, thuận lợi hơn cho việc đi lại của người dân”-ông Quang vui mừng nói. 
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, đường vào Kon Pne vẫn còn khoảng 12 km đường đất. Trong buổi làm việc mới đây với chính quyền xã Đak Rong, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang giao cho các sở, ngành có kế hoạch phân bổ vốn, hỗ trợ cho xã này 15 tỷ đồng để làm hơn 7 km đường bê tông đoạn từ UBND xã Đak Rong đến làng Kon Lôk 2 (xã Đak Rong). Nếu đoạn đường này hoàn thành, xã Kon Pne chỉ còn lại trên 4 km đường đất, xã sẽ tập trung mọi nguồn lực trong thời gian tới để làm nốt đoạn này, đấu nối vào vị trí tại làng Kon Lôk 2. “Dự kiến đến hết năm 2019, xã Kon Pne hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới, lúc đó con đường bê tông xi-măng sẽ được liên thông hoàn toàn, Kon Pne ngày một gần hơn với sự đổi thay trong tương lai, đặc biệt là việc chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của hơn người dân tộc thiểu số ở vùng đất khó”-ông Quang chia sẻ.
Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.