Cần chặt chẽ hơn trong quản lý nhà công sản ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 97 căn nhà đã được xác lập sở hữu toàn dân (gọi tắt là nhà công sản) trên địa bàn tỉnh hầu hết đều đang cho người dân thuê ở, một số bố trí làm hội trường tổ dân phố. Qua tìm hiểu, có nhiều căn hiện đã xuống cấp, chưa được đầu tư sửa chữa, một số căn người thuê không ở mà giao cho người khác, có trường hợp “quyết” chiếm để ở... Thực trạng này đòi hỏi nhà công sản cần phải được quản lý chặt chẽ hơn nữa, tránh việc sử dụng không đúng mục đích.

Thuê nhưng không ở

Trong số những căn nhà công sản vắng chủ do Nhà nước quản lý, có nhiều căn nằm ở mặt tiền đường Lê Lợi, Hùng Vương (TP. Pleiku), Quang Trung (thị xã An Khê)... Điều đáng nói là một số hộ tuy đã có nhà nhưng không chủ động trả nhà  thuê cho Nhà nước; có hộ không sống tại đó mà cho người khác thuê lại để kinh doanh, trái với mục đích thuê nhà ban đầu.

 

Căn nhà 446 Quang Trung, thị xã An Khê.                                                                             Ảnh: H.D
Căn nhà 446 Quang Trung, thị xã An Khê. Ảnh: H.D

Có thể kể tới trường hợp căn nhà số 189 Hùng Vương (TP. Pleiku) cho ông Huỳnh Tài thuê với giá 117.000 đồng/tháng. Hiện căn nhà được cho người khác thuê lại để kinh doanh đồng hồ, còn gia đình ông Tài, theo những người ở xung quanh cho biết, đang ở tại nhà riêng số 264 Hùng Vương. Hay như căn nhà số 446 Quang Trung (thị xã An Khê) được Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Gia Lai thuê. Tuy nhiên, theo người dân xung quanh, từ lâu, Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Gia Lai cho vợ chồng bà Giang Thị Vân dùng mặt bằng này để bán văn phòng phẩm, mỗi năm bà Vân trả cho Công ty 3 triệu đồng.

Phức tạp hơn là căn nhà số 08 Ngô Gia Khảm (TP. Pleiku). Trước kia, chủ căn nhà này là ông Nguyễn Thanh Giàu. Sau năm 1975, gia đình ông Giàu chuyển ra sống ở Huế và căn nhà này bỏ trống. Sau đó, Nhà nước đã xác lập căn nhà vắng chủ này thành sở hữu toàn dân. Từ năm 1979 đến nay, ông Lê Tử Trực xin thuê căn nhà này, hiện mức giá thuê là 103.000 đồng/tháng. Theo tìm hiểu, căn nhà này đang được giao cho con trai của ông Trực là ông Lê Nguyên Vỹ ở. Sau này, ông Giàu quay lại và làm đơn gửi lên UBND tỉnh xin lại căn nhà nhưng tỉnh vẫn chưa có câu trả lời chính thức.Tuy nhiên, ông Vỹ cho biết, gia đình ông đã ngỏ ý muốn mua lại căn nhà và ông Giàu cũng đã nhận tiền đặt cọc. Được biết, ông Lê Tử Trực (người đứng ra thuê căn nhà) đang ở một căn nhà khác tại đường Lý Chính Thắng (phường Chi Lăng, TP. Pleiku).

Và nguyện vọng mua lại

Nằm ngay góc ngã ba đường Hùng Vương-Nguyễn Viết Xuân (TP. Pleiku), căn nhà số 382 Hùng Vương được ông Lâm Như Trường thuê từ năm 1985 đến nay, mức giá thuê hiện thời là 220.000 đồng/tháng. Do thời gian xây dựng đã quá lâu, căn nhà từng một lần sập mái và được chủ nhà sửa sang, gia cố lại. Hiện  căn nhà đang trong tình trạng rệu rã, có thể sập bất cứ lúc nào. Bà Diệp Mỹ Nam (vợ ông Trường) cho biết: “Nhà ở gần suối Hội Phú nên rất hay bị ngập nước, nền đất yếu. Nhưng ở lâu rồi cũng quen. Gia đình đã rất nhiều lần viết đơn gửi chính quyền xin mua lại căn nhà nhưng chưa được chấp thuận”.

Tương tự, căn nhà số 21 Duy Tân (số cũ, TP. Pleiku) được ông Phạm Văn Tư-nguyên Trưởng Công an phường Diên Hồng, thuê từ năm 1992, mức giá hiện là 270.000 đồng/tháng. Tuy đã có nhà số 04 Duy Tân (đối diện căn nhà đang thuê) nhưng ông Tư vẫn có nguyện vọng được mua lại căn nhà này. “Nhà được xây dựng lâu rồi, giờ đã nát hết, trong quá trình ở tôi cũng phải tự sửa chữa lại rất nhiều. Năm 1998, tôi có làm đơn xin mua lại nhưng chưa thấy Nhà nước trả lời có chấp thuận hay không”-ông Tư cho hay.

Đặc biệt nhất có lẽ phải kể tới căn nhà không số nằm tại ngã ba đường Phan Đình Giót (TP. Pleiku) do bà Phạm Thị Lập đang chiếm để ở. Được biết, đây là căn nhà có từ trước năm 1975 và bị bỏ hoang suốt từ đó đến năm 2005. Thời điểm này, bà Lập và gia đình đã có nhà ở gần đó. Sau khi chồng chết do tai nạn ít lâu, bà Lập cũng bị tai biến, phải bán tất cả nhà cửa, đất đai để chạy chữa và lâm vào cảnh không nhà. Thấy căn nhà bỏ hoang, bà đã trình bày với UBND phường Hoa Lư để được ở trong căn nhà này và trả cho tổ dân phố số tiền 150.000 đồng/tháng. “Đến năm 2008, tổ dân phố đòi trả lại căn nhà, nhưng tôi không đồng ý, vì đây là nhà đất bỏ hoang chứ đâu phải của phường. Sau đó, tôi làm đơn gửi Sở Xây dựng và Sở đồng ý cho tôi được ở đây cho tới khi Nhà nước thu hồi. Nhưng tôi cũng nói rõ ràng là chỉ có tỉnh hoặc trung ương thu hồi thì tôi mới trả, chứ phường đòi là tôi không trả. Tôi cũng mong muốn Nhà nước bán lại căn nhà này cho tôi, nếu không thì khi thu hồi phải có quyết định và cấp cho tôi một nơi khác để ở”-bà Lập trình bày.

Nhu cầu về nhà ở của người dân trên địa bàn tỉnh hiện đang rất cao. Ngoài chương trình bán đất giá rẻ cho cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động có thu nhập thấp, tỉnh vẫn chưa có nhiều chương trình tương tự. Trong khi đó, một số người hiện đã có nhà vẫn được thuê nhà công sản với giá rất rẻ. Thiết nghĩ, tỉnh cần chặt chẽ hơn trong vấn đề này để tránh trường hợp “Kẻ ăn không hết người lần không ra”.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.