Tín dụng chính sách giải pháp giảm nghèo hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Qua 15 năm triển khai, tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã phát huy rất tốt vai trò người đồng hành thân thiết của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn ông NGUYỄN ĐỨC HOÀNG (ảnh)-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh về kết quả đạt được cũng như định hướng và nhiệm vụ chủ yếu của ngân hàng trong thời gian tới.
 

- P.V: Nâng cao thu nhập cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội, hướng tới giảm nghèo bền vững là mục tiêu của Đảng và Chính phủ. Đối với Gia Lai, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân cả nước thì chính quyền địa phương đã làm gì để hiện thực hóa mục tiêu này, thưa ông?

Ông NGUYỄN ĐỨC HOÀNG: Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2016 của tỉnh là 16,55%. Đáng lưu ý là số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 85,81% tổng số hộ nghèo, đa phần là bà con sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số luôn là một nhiệm vụ quan trọng, là thử thách phải vượt qua của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Ngay từ đầu, tỉnh đã xác định đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách là giải pháp căn cơ, là công cụ hữu hiệu để góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Do đó, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH  tỉnh thường xuyên bám sát Nghị quyết của Hội đồng Quản trị và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đồng thời, thực hiện mục tiêu đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất.

Qua 15 năm, Ngân hàng CSXH tỉnh đã xây dựng, hoàn thiện mô hình tổ chức và phương thức quản lý phù hợp, hiệu quả như rà soát, xác nhận đối tượng từ chính quyền địa phương, bình xét cho vay từ Tổ tiết kiệm và vay vốn, có sự giám sát của các tổ chức chính trị-xã hội. Với 98% khối lượng giao dịch thông qua điểm giao dịch xã, Ngân hàng đã tạo bước tiến mới về cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng được tiếp cận nhanh chóng với dịch vụ ngân hàng.

Chính vì phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị đã tạo thành kênh dẫn vốn, quản lý vốn tín dụng chính sách an toàn, hiệu quả, đáng tin cậy đối với nhân dân. Vốn ưu đãi của Nhà nước đã đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, thông suốt, công khai. Nhờ đó, đã giúp 131.921 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho 23.655 lao động; giúp cho trên 57.337 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đi học; giúp cho trên 10.558 hộ nghèo vay vốn xây nhà ở... Kết quả này đã góp phần đáng kể thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của tỉnh, đẩy lùi nạn tín dụng đen ở khu vực nông thôn. Đáng lưu ý, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 23,73% năm 2011 xuống còn 11,36% năm 2015. Đến cuối năm 2016, tỷ lệ này giảm từ 19,71% xuống còn 16,55%.

 

- P.V: Nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH được coi là một nguồn lực quan trọng để giúp địa phương xóa đói giảm nghèo. Vậy tỉnh đã hỗ trợ như thế nào để Ngân hàng phát huy vai trò, nhiệm vụ được giao, thưa ông?

Ông NGUYỄN ĐỨC HOÀNG: Huy động mọi nguồn lực, tiếp thêm nguồn vốn cho Ngân hàng CSXH là tiếp thêm nguồn lực thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Ngay sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 723/KH-UBND về triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; đồng thời, cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố cũng đều có kế hoạch hành động cụ thể. Trong điều kiện kinh tế-xã hội của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, song đã cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương để ủy thác cho Ngân hàng CSXH  tỉnh 85 tỷ đồng, 17/17 huyện, thị xã, thành phố đã chuyển 20 tỷ đồng, góp phần cùng nguồn vốn trung ương để kịp thời giải quyết nhu cầu vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Bên cạnh đó, chỉ đạo bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH cấp huyện theo Văn bản 1423/VPCP-KTTH của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, 100% Chủ tịch UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh là thành viên Ban Đại diện của Ngân hàng cấp huyện. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của chính quyền địa phương là minh chứng rõ nét nhất, cụ thể nhất cho sự quan tâm hỗ trợ để Ngân hàng phát huy vai trò sức mạnh của mình, đưa vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng để phát huy tối đa hiệu quả.

- P.V: Trong giai đoạn hiện nay, nguồn vốn để đầu tư phát triển, hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn rất lớn. Mức cho vay của Ngân hàng CSXH ở một số chương trình dù được nâng lên nhưng chưa đáp ứng nhu cầu. Vậy theo ông, vấn đề này cần được giải quyết như thế nào?

Ông NGUYỄN ĐỨC HOÀNG: Đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho hộ nghèo và đối tượng chính sách luôn là mục tiêu hàng đầu của Ngân hàng CSXH, cũng là mối quan tâm chung của địa phương. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang ưu tiên đầu tư vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Ưu tiên đầu tư vốn cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Qua khảo sát nhu cầu thực tế, thay mặt Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh, tôi đề nghị Chính phủ xem xét nâng mức cho vay Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ tối đa 6 triệu đồng/công trình lên tối đa 12 triệu đồng/công trình để phù hợp hơn với chi phí, giá cả hiện nay. Tương tự, đề nghị Chính phủ tạo điều kiện bố trí nguồn vốn triển khai cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/NĐ-CP. Đối với Ngân hàng CSXH Việt Nam, quan tâm xem xét bố trí nguồn vốn tăng thêm cho tỉnh, đảm bảo tăng trưởng tín dụng từ 10% trở lên nhằm mở rộng cho vay theo nhu cầu, đặc biệt là vốn vay giải quyết việc làm theo Nghị định 61/NĐ-CP của Chính phủ.

- P.V: Xin chân thành cảm ơn ông!

Sơn Ca (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.