Thanh toán điện tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây ngót 15 năm, trong lần sang Pháp dự một Liên hoan Thơ quốc tế, tôi rất ngạc nhiên thấy một người bạn ở Paris sau khi đưa tôi vào quán ăn dùng bữa đã rút ra một chiếc thẻ và… quẹt. Thế là xong! Đã thanh toán. Tôi ngạc nhiên là phải, vì vào thời điểm ấy, ở Việt Nam chuyện thanh toán tiền bằng thẻ điện tử chưa có như bây giờ. Nhưng hiện nay đã có nhiều hình thức thanh toán văn minh như thế chưa? Phải nói là có, nhưng chưa nhiều.

Nguyên do cũng là vì những quốc gia hạn chế dùng tiền mặt đều là những quốc gia phát triển. Còn Việt Nam thì chưa phải quốc gia phát triển. Ai cũng biết, dùng tiền mặt rất dễ tạo điều kiện cho các hoạt động phi pháp như: rửa tiền, trốn thuế, buôn lậu, tham nhũng. Biết là biết vậy, nhưng thật không dễ dàng để Việt Nam có thể dịch chuyển xu hướng giao dịch của mình sang thanh toán điện tử trong điều kiện hiện nay. Lý do cũng dễ hiểu. Vì xưa nay thói quen dùng tiền mặt trong mọi giao dịch hay thanh toán đã ăn quá sâu vào tâm thức người Việt. Bây giờ hội nhập thế giới, mới biết là cách thanh toán như thế đã lạc hậu và hàm chứa rất nhiều rủi ro. Nhưng thay đổi ngay thì có vẻ hơi… khó, vì chưa quen.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhưng dù khó, vẫn phải thay đổi. Bây giờ, thỉnh thoảng thông tin đại chúng vẫn đưa tin những vụ cướp ngân hàng ở Việt Nam với số tiền mặt bị cướp nhiều khi lên tới hàng tỷ đồng. Nguy hiểm như vậy nhưng chính những ngân hàng cũng chưa thể đưa thanh toán điện tử trở thành thanh toán chính hay duy nhất của mình. Lý do vì khách hàng chưa quen với cách thanh toán này, mà ngân hàng thì luôn cần tiền khách hàng gửi, và khi trả lãi cho khách, cũng không thể bắt họ phải kê khai tài khoản để có thể chuyển khoản. Trong khi nếu áp dụng phương pháp chuyển khoản thì sẽ rất tiện lợi cho cả chủ và khách.

Tôi cũng sử dụng tài khoản, nhưng tôi là người có rất ít tiền. Vì vậy, cũng phải thú nhận là mỗi khi có tiền nhuận bút vào tài khoản, tôi đều tới “cây” ATM rút tiền ra, và... tiêu tiền mặt. Biết là làm như vậy cũng không văn minh lắm, nhưng mình vẫn chưa thoát ra được cái tâm thế tiêu tiền mặt, nó đã ăn cả vào vô thức của mình từ bao năm nay rồi. Với lại, giao dịch tiền ở nước mình bây giờ vẫn chủ yếu là giao dịch tiền mặt, nhất là khi mua hàng ở các cửa hàng tạp hóa nhỏ hoặc ra chợ. Ở những nơi đó, nếu mình có thẻ, và thẻ có tiền, cũng không biết… quẹt vào đâu.

Nói như vậy để thấy, chuyển sang thanh toán bằng điện tử những giao dịch tiền là chuyện phải làm, nhưng không phải dễ làm trong hoàn cảnh hiện nay.

Nhân nói tới nước Pháp, tôi cũng thấy ở Paris chẳng hạn, có hàng loạt hệ thống siêu thị hiện đại, nơi mọi giao dịch đều có thể thực hiện qua hình thức giao dịch điện tử, nhưng vẫn có nhiều những chợ “xanh” (bên mình gọi là chợ “xổm”) tuy tươm tất hơn chợ “xổm” bên mình nhiều, nhưng giao dịch ở đó vẫn chủ yếu là tiền mặt. Cũng dễ hiểu, vì những người nông dân từ quê ra bán những món hàng (chủ yếu là thực phẩm tươi sống) của mình, họ không có phương tiện điện tử để nhận tiền qua quẹt thẻ. Thôi thì đành dùng tiền mặt vậy.

Tôi cũng đã vài lần sang Hàn Quốc, nhưng thú thật, ở đó chúng tôi vẫn toàn dùng tiền mặt, nhất là khi đi chợ mua… sâm. Những chợ đó bán sâm Hàn Quốc như ta bán… khoai lang. Vì thế, chắc chắn là không thể dùng thẻ điện tử.

Nhưng ở Việt Nam bây giờ, tất cả mọi giao dịch tiền bạc của các cơ quan và công ty nhà nước bắt buộc phải dùng giao dịch điện tử. Cái đó thì hoàn toàn làm được. Chỉ như thế thôi đã hạn chế được rất nhiều những rủi ro và tệ nạn như: rửa tiền, trốn thuế, buôn lậu, tham nhũng.

Vậy thì hãy làm ngay những gì có thể làm được trong tầm tay về giao dịch điện tử, vì đó là xu hướng tất yếu mà Việt Nam sẽ phải sử dụng rộng rãi.

Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.