Gia Lai: Nhiều gói vay tiếp sức cho doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc các ngân hàng (NH) đẩy mạnh triển khai nhiều gói tín dụng cho khối khách hàng doanh nghiệp (DN) và hỗ trợ lãi suất đã giúp nhiều DN giảm bớt gánh nặng tài chính, có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh.

Đánh giá hoạt động tín dụng trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay, ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc NH Nhà nước-Chi nhánh tỉnh, cho biết: Tín dụng có tốc độ tăng trưởng hơn 8,5% với dư nợ đạt trên 72.368 tỷ đồng đã phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh việc thực hiện các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và NH Nhà nước Việt Nam, cung ứng vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, các NH thương mại đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giúp DN có điều kiện duy trì hoạt động và mở rộng quy mô.

 

ABBank đang triển khai chương trình tín dụng “Tiếp sức doanh nghiệp vừa và nhỏ”.  Ảnh: K.N.B
ABBank đang triển khai chương trình tín dụng “Tiếp sức doanh nghiệp vừa và nhỏ”. Ảnh: K.N.B

Ngoài các gói cho vay thông thường, các NH thương mại còn đưa ra nhiều gói tín dụng cụ thể cho từng đối tượng khách hàng và ngành nghề nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho DN nhỏ và vừa. Nhiều chương trình đã được triển khai và mang lại hiệu quả cao, như HDBank có chương trình “Siêu ưu đãi lãi suất vay VND dành cho khách hàng DN” để bổ sung vốn lưu động, bổ sung vốn trung-dài hạn phục vụ các phương án, dự án sản xuất kinh doanh  của DN với gói tín dụng ngắn hạn 15.000 tỷ đồng lãi suất 8,2-9,2%/năm, gói trung-dài hạn 6.000 tỷ đồng lãi suất 10-10,75%/năm; hay chương trình “Phát triển khách hàng DN mới” với gói 2.000 tỷ đồng triển khai từ ngày 15-5-2017 đến 15-5-2018 có hạn mức cấp tín dụng không có tài sản bảo đảm tối đa đến 5 tỷ đồng; chương trình “Cho vay xây dựng chuồng trại chăn nuôi hợp tác với Công ty CP Việt Nam” có thời hạn vay lên đến 10 năm, đáp ứng tối đa 75% tổng nhu cầu vốn đầu tư…

Điển hình khác là ABBank triển khai chương trình tín dụng “Tiếp sức DN vừa và nhỏ”, trong đó áp dụng thế chấp và cả tín chấp; chương trình “Tiếp vốn DN” lãi suất từ 7,78%/năm giải ngân bằng VND và 2,8%/năm giải ngân bằng USD… Hay SHB có sản phẩm “Tài trợ nhanh khách hàng DN khu vực Tây Nguyên”, là sản phẩm phù hợp nhằm hỗ trợ vốn cho DN trong khu vực cũng như tạo điều kiện phát triển kinh tế trên địa bàn. Với gói vay này, bên cạnh được ưu đãi về lãi suất chỉ từ 6,5%/năm, DN còn được ưu đãi về tài sản đảm bảo như bất động sản, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị, hàng hóa…

Nhìn chung, sau một thời gian triển khai, các chương trình đã phát huy tác dụng hỗ trợ khá tốt cho DN. Ưu điểm nổi bật của các chương trình là việc đơn giản thủ tục vay vốn, điều kiện, lãi suất vay thấp, từ đó giúp DN ổn định nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Ước tính có khoảng một nửa DN đang hoạt động trên địa bàn được vay vốn NH với dư nợ hơn 32.000 tỷ đồng. Tính chung, tín dụng cho khối DN đã chiếm 44% tổng dư nợ toàn ngành.

Tuy nhiên, những DN quy mô siêu nhỏ, DN khởi nghiệp thì mức độ tín nhiệm, tài sản đảm bảo vẫn là một trong những điểm nghẽn để được tiếp cận vốn NH. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cư cho rằng, trên thực tế vẫn còn không ít DN tình hình tài chính chưa minh bạch. Ông Cư ví dụ, có những DN sử dụng nhiều báo cáo, gửi ngành thuế một bản, gửi NH bản khác, dẫn đến chưa thống nhất về số liệu. Mặt khác, có DN không có tài sản đảm bảo, lại không chứng minh cho NH thấy được tiềm năng cũng như khả năng sinh lời nên xét về điều kiện thì rất khó để các NH xem xét cho vay.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình vay vốn của DN, ngành NH tỉnh đã tiến hành phân tích, xếp loại tài chính các DN có quan hệ vay vốn tại các chi nhánh NH thương mại nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng, nâng cao chất lượng vốn vay, hạn chế rủi ro. Đặc biệt, trong thời gian tới, để đáp ứng vốn cho phong trào khởi nghiệp, ngành NH có kế hoạch phối hợp với các chi hội DN địa phương nắm bắt thông tin và nhu cầu của DN để đầu tư vốn, hỗ trợ phát triển.

Vũ Thảo

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.