Tăng cường kiểm soát thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước tình hình buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, thời gian qua, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm chấn chỉnh hoạt động này, góp phần bình ổn thị trường, ổn định sản xuất.

Xử phạt hàng trăm vụ vi phạm

Gia Lai là tỉnh có tỷ trọng ngành nông nghiệp lớn, trong đó chỉ riêng diện tích trồng cây công nghiệp đã lên đến hàng trăm ngàn ha nên nhu cầu về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) rất lớn. Đây cũng chính là mảnh đất “màu mỡ” để các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV khai thác. Mặc dù là thị trường lớn, song Gia Lai không phải là địa bàn tập trung các đầu mối lớn về sản xuất phân bón, chủ yếu là buôn bán, tiêu thụ. Theo thống kê, toàn tỉnh chỉ có 20 công ty, chi nhánh thuộc các doanh nghiệp sản xuất phân bón vi sinh nhưng có tới 225 cơ sở, đại lý kinh doanh.

 

Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tuyên truyền cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV.                          Ảnh: D.Q
Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tuyên truyền cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV. Ảnh: D.Q

Với số lượng cơ sở, đại lý kinh doanh khá lớn nên thị trường kinh doanh phân bón, thuốc BVTV khá phức tạp, không ít cơ sở lợi dụng kinh doanh hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng. Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch, chuyên đề cũng như thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm tăng cường công tác thanh-kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng. Từ đầu năm 2015 đến nay, các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đã phát hiện 402 vụ vi phạm, xử phạt gần 1,7 tỷ đồng, chủ yếu là vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh phân bón với 366 vụ.

Trong năm 2015, nhiều vụ vi phạm lớn đã được các cơ quan chức năng xử lý, nhất là vi phạm trong sản xuất phân bón không đạt chỉ tiêu định lượng bắt buộc so với mức công bố tiêu chuẩn áp dụng và không thực hiện chứng nhận hợp quy trong sản xuất hàng hóa… Trong đó, cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính gần 800 triệu đồng  đối với các doanh nghiệp: Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Nam Việt (Bình Dương), Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ, Sản xuất Huy Bảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Công ty cổ phần Liên bang Đức (TP. Hồ Chí Minh), Công ty Bình Minh Tây Nguyên, Công ty TNHH Sinh thái Miền Trung (TP. Pleiku). Mới đây nhất, ngày 6-4-2017, lực lượng chức năng đã phát hiện hành vi kinh doanh phân bón nhập lậu và sản phẩm phân bón nước ngoài mà không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định tại Chi nhánh Công ty Phân bón Sông Gianh tại Gia Lai (TP. Pleiku). Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt đơn vị này 72,5 triệu đồng và tịch thu 13 tấn phân bón hiệu Ammonium Chloride Nitrogen 25 Min xuất xứ Trung Quốc.      

Giải pháp chấn chỉnh

Mặc dù tình trạng vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV đã phần nào được kiểm soát, song tình trạng vi phạm vẫn còn tiếp diễn và ngày càng tinh vi hơn. Nhiều cơ sở đã lợi dụng “khe hở” trong một số văn bản để “lách luật”. Bên cạnh đó, vì nhiều lý do khách quan, bất cập trong cơ chế quản lý nên cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý. Theo ông Nguyễn Hoàng-Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ), trước đây, Chi cục được Cục Trồng trọt chỉ định giám định các mẫu phân bón. Tuy nhiên, từ khi thực hiện phân cấp chức năng quản lý, phân bón hữu cơ do Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý và phân bón vô cơ do Bộ Công thương quản lý thì việc chỉ định đã thay đổi. Hiện chức năng giám định phân bón hữu cơ đã được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) chỉ định; còn chức năng giám định phân bón vô cơ vẫn chưa được chỉ định dù Chi cục đã gửi văn bản đến Cục Hóa chất (Bộ Công thương) từ năm 2016 song đến nay vẫn chưa được trả lời. Vì vậy, Chi cục gặp không ít lúng túng trong công tác giám định.

 

Ông Trương Văn Ba-Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia: Văn phòng ghi nhận kiến nghị của địa phương và sẽ trình cấp thẩm quyền giải quyết. Trước mắt, để chấn chỉnh tình trạng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng trên địa bàn, các cơ quan chức năng địa phương cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; hướng dẫn bà con cách sử dụng phân bón, thuốc BVTV đúng liều lượng, khoa học; vận động các đại lý, doanh nghiệp ký cam kết không kinh doanh, sản xuất phân bón giả, thuốc BVTV kém chất lượng... Đồng thời, phối hợp với các địa phương lân cận để thường xuyên nắm tình hình hoạt động của các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất để họ cung cấp mẫu, hướng dẫn phân biệt các sản phẩm thật, giả nhằm hỗ trợ công tác kiểm tra, xử lý.

Cũng đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Nhĩ-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho rằng: “Mặt hàng phân bón giả làm rất tinh vi. Để phát hiện và xử lý ngay là không thể như những hàng hóa khác vì phải giám định. Trong khi đó, thủ tục lấy mẫu, giám định mất nhiều thời gian, làm hạn chế hiệu quả công việc. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị các bộ, ngành nghiên cứu ban hành văn bản pháp luật phù hợp với thực tế. Đồng thời, cần mạnh tay hơn trong chế tài xử lý hành chính, đặc biệt là gắn trách nhiệm giữa người sản xuất, cung ứng và tiêu dùng; có chế tài bồi thường thỏa đáng cho nông dân do sử dụng phân bón giả, kém chất lượng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng... Bên cạnh đó, Trung ương cần xem xét điều kiện mua hoặc đặt hàng các thiết bị kiểm tra nhanh sản phẩm ngay bước đầu để có thể đình chỉ ngay mặt hàng đó. Vì quá trình kiểm tra hiện nay quá lâu, khi có kết quả thì nhiều sản phẩm đã tung ra thị trường, rất khó thu hồi hoặc đã sử dụng gây hậu quả, không kịp cứu vãn”.

Ngoài ra, một số bất cập cũng được các cơ quan chức năng kiến nghị như: thiếu kho bãi phục vụ công tác kiểm tra, chứa tang vật vi phạm; việc cho phép doanh nghiệp tự lấy mẫu giám định lần 2 sau khi cơ quan chức năng đã thực hiện giám định phát sinh nhiều vấn đề không hợp lý; vấn đề kinh phí giám định khi thanh toán gặp nhiều khó khăn…

Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.