Gia Lai: Đẩy mạnh sản xuất hồ tiêu theo hướng an toàn và bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai là tỉnh có diện tích hồ tiêu đứng thứ ba trong toàn quốc, với 16.400 ha, năng suất bình quân đạt 41,2 tạ/ha, sản lượng đạt 49.500 tấn. Tuy nhiên, tình hình dịch hại trên cây hồ tiêu vẫn đang diễn biến phức tạp, các bệnh hại nguy hiểm như: bệnh héo chết nhanh, bệnh vàng lá chết chậm, tuyến trùng hại rễ vẫn tiếp tục gây hại ở nhiều địa phương...
 

Chú trọng sản xuất hồ tiêu an toàn và bền vững. Ảnh: L.T
Chú trọng sản xuất hồ tiêu an toàn và bền vững. Ảnh: L.T

Để giảm thiểu thiệt hại do hồ tiêu chết, giữ vững năng suất, sản lượng, chất lượng hồ tiêu, UBND tỉnh vừa có Công văn số 2317/UBND-NL yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và Sở Nông nghiệp-PTNT, các ngành liên quan giúp chính quyền địa phương triển khai các hoạt động truyền thông nhằm tuyên truyền cho nông dân thấy được tác hại to lớn, khó lường do trồng tiêu theo kiểu tự phát.

Rà soát, xác định diện tích đất trồng tiêu, vùng trồng hồ tiêu phù hợp, khuyến cáo nông dân không mở rộng diện tích, quản lý tốt diện tích hiện có, chỉ trồng tái canh cây hồ tiêu khi đất trồng hồ tiêu trước đây đã được luân canh 2 đến 3 vụ với cây trồng khác và phải được xử lý tuyến trùng, nấm bệnh trước khi trồng. Đồng thời, khuyến cáo nông dân chuyển đổi diện tích trồng hồ tiêu trên đất không phù hợp, kém phát triển, diện tích hồ tiêu hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây trồng khác có hiệu quả hơn. Đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch vùng trồng hồ tiêu đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 vào điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch trồng trọt vùng nguyên liệu gắn với cơ sở chế biến.

Bên cạnh đó, tổ chức lại sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, an toàn, bền vững, trước mắt xây dựng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã trồng tiêu theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa đại diện của nông dân và doanh nghiệp; doanh nghiệp đầu tư vật tư đầu vào cho nông dân đảm bảo chất lượng tốt, giá thành rẻ. Thực hiện tốt công tác khuyến nông, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến theo tiêu chuẩn Việt GAP, Global GAP; thực hiện cơ giới hóa các khâu từ làm đất đến chăm sóc, bảo quản và thu hoạch; áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm tiên tiến kết hợp với quản trị dinh dưỡng, phòng trừ dịch hại, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, mở rộng thị trường đầu ra tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, chú trọng chuyển giao tiến bộ khoa học, các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất, phòng trừ sâu  bệnh trên cây hồ tiêu để nông dân biết và áp dụng hiệu quả trong sản xuất hồ tiêu an toàn và bền vững. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về vật tư nông nghiệp, giống cây hồ tiêu và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Lương Thanh

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.