Trồng dưa hấu, dưa lưới của Nhật: Cơ hội phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Buổi làm việc về dự án trồng dưa hấu, dưa lưới của Công ty với tỉnh Gia Lai diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản vừa ký kết hợp tác nhằm thúc đẩy kết nối 2 nền kinh tế thông qua việc mở rộng hợp tác các lĩnh vực đầu tư, thương mại, ODA, nông nghiệp công nghệ cao và lao động. Vì vậy, tôi hy vọng đây sẽ là hợp tác đầu tiên ghi dấu sự kiện này”-ông Toshihiro Hagihara-Tổng Giám đốc Công ty Hagihara Farm (Nhật Bản) cho biết.

Chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Nhật Bản và ký kết hợp tác, ngày 7-6, lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã có buổi làm việc với Công ty Hagihara  Farm và Công ty Raycean (Nhật Bản), Tập đoàn Lộc Trời (TP. Hồ Chí Minh) về dự án sản xuất dưa hấu, dưa lưới giống theo quy trình canh tác hữu cơ sinh học để xuất khẩu sang Nhật Bản. Theo ông Toshihiro Hagihara-Tổng Giám đốc Công ty Hagihara Farm (tỉnh Nara, Nhật Bản), Công ty Hagihara Farm là một trong những doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản về nông nghiệp hữu cơ.

 

Công ty Hagihara Farm khảo sát đất ở xã Gào (TP. Pleiku).  Ảnh: L.L
Công ty Hagihara Farm khảo sát đất ở xã Gào (TP. Pleiku). Ảnh: L.L

Đặc biệt, là một công ty gia đình, Hagihara Farm nổi tiếng với truyền thống trồng dưa hấu lâu đời (trên 100 năm) ở Nhật Bản. Với thế mạnh là các sản phẩm dưa trồng trong nhà kính theo công nghệ hữu cơ sinh học, có giá trị dinh dưỡng cao và an toàn cho người tiêu dùng nên sản phẩm của Công ty chiếm tới 70% thị trường tiêu thụ tại Nhật Bản. “Trái dưa hấu màu đỏ, khi bổ đôi giống như mặt trời-hình ảnh tượng trưng của đất nước Nhật Bản. Vì vậy, dưa hấu được người dân ở xứ sở Mặt trời mọc rất ưa chuộng và xem là một món ăn quan trọng không thể thiếu trong bữa ăn của gia đình. Tuy nhiên, do khí hậu khắc nghiệt, việc trồng dưa tại Nhật chỉ kéo dài được 7 tháng/năm nên dưa hiếm và giá cả khá cao. Vì vậy, chúng tôi muốn đến Việt Nam để tìm cơ hội hợp tác trồng dưa nhằm bù đắp thị trường đang thiếu hụt”-ông Toshihiro Hagihara cho biết.

Trực tiếp đến Gia Lai khảo sát, ông Toshiharu Hashizume-Giám đốc sản xuất Công ty Hagihara Farm cho rằng, chất đất tại đây xốp, dễ thoát nước, phù hợp để trồng dưa. Đặc biệt, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm ở Gia Lai dao động từ 170C đến 320C là điều kiện khá lý tưởng để trồng dưa lưới…  Công ty sẽ lấy mẫu đất phân tích cụ thể, kiểm tra nồng độ pH để có chương trình canh tác phù hợp.

 


“Hiện Công ty đã khảo sát một số nơi như An Giang, Lâm Đồng nhưng chỉ ở Gia Lai là có đủ điều kiện để sản xuất dưa giống, những nơi khác chủ yếu trồng thương mại. Vì vậy, Công ty Hagihara Farm rất mong muốn được đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Gia Lai. Trước mắt, Công ty sẽ sản xuất giống dưa hấu và dưa lưới trong nhà kính theo công nghệ và quy trình tiên tiến của Nhật Bản. Sau khi dự án này thành công, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư trồng dưa thương mại xuất khẩu đi Nhật và nhiều nước trên thế giới. Trong đó, tập trung sản xuất dưa lưới hữu cơ chất lượng cao với những ưu điểm như mắt đều, ngọt đều… nhằm phục vụ các thị trường cao cấp”-ông Toshihiro Hagihara-Tổng Giám đốc Công ty Hagihara Farm, cho biết.
 

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành: “Thành phố Pleiku hiện có quỹ đất khoảng 39 ha ở xã Gào. Khu vực này không thuộc diện phải đền bù, giải tỏa nên sau khi việc khảo sát phân tích đất thành công, 2 bên sẽ bàn bạc tính toán diện tích đất cụ thể, nếu được sẽ xúc tiến luôn trong năm 2017”.

Theo ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, sau khi tỉnh tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào cuối năm 2016, nhiều doanh nghiệp đã đến tìm hiểu đầu tư tại Gia Lai. Đặc biệt, sau hội nghị ký kết hợp tác với TP. Hồ Chí Minh vào tháng 4-2017, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh đã giới thiệu nhiều doanh nghiệp đến thăm và tìm hiểu địa bàn để hợp tác đầu tư vào lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp ở tỉnh. Dự án sản xuất dưa hấu, dưa lưới giống theo quy trình công nghệ canh tác hữu cơ sinh học là một trong những dự án như thế.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.