Gia Lai: Tăng cường kiểm soát chất lượng giống cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang xuống giống các loại cây trồng dài ngày như cà phê, hồ tiêu cùng các loại cây ăn trái lâu năm như bơ, sầu riêng… Do đó, đây cũng là cao điểm hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống. Để đảm bảo nguồn cây giống chất lượng, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập các đoàn thanh-kiểm tra nhằm loại bỏ những loại cây giống kém chất lượng, giúp nông dân yên tâm đầu tư trồng mới.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có 236 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống. Tuy nhiên, số lượng được cấp giấy phép kinh doanh chỉ khoảng 58 cơ sở, còn lại phần lớn hoạt động theo phương thức hộ gia đình nhỏ lẻ. Hàng năm, mỗi khi mùa mưa đến cũng là lúc các cơ sở này hoạt động nhộn nhịp khiến các cơ quan chuyên môn khó kiểm soát được chất lượng cây giống.

 

Kiểm tra một cơ sở kinh doanh cây giống tại huyện Chư Pah. Ảnh: N.D
Kiểm tra một cơ sở kinh doanh cây giống tại huyện Chư Pah. Ảnh: N.D

Để đảm bảo nguồn cây giống chất lượng phục vụ nông dân sản xuất, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập 3 đoàn thanh-kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh và lưu thông giống cây trồng trên địa bàn các huyện: Chư Pah, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh và TP. Pleiku. Qua kiểm tra đột xuất tại 62 cơ sở, các đoàn kiểm tra phát hiện có đến 49 cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Trong đó, huyện Đức Cơ có 3 cơ sở vi phạm, 1 vắng chủ tại thời điểm kiểm tra; Chư Sê có 15 cơ sở vi phạm, 2 không có chủ; Chư Pưh có 4 cơ sở vi phạm, 1 không có chủ; Chư Pah có 13 cơ sở vi phạm, 2 cơ sở không có chủ và TP. Pleiku có 14 cơ sở vi phạm, 1 cơ sở vắng chủ. Các hình thức vi phạm tập trung chủ yếu là không có giấy phép kinh doanh; giống sản xuất, kinh doanh không rõ nguồn gốc hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận; vi phạm nhãn hàng hóa; không thuê nhân viên kỹ thuật, người kiểm định cây giống; không có quy trình sản xuất đối với từng loại giống cây…

Đoàn thanh-kiểm tra liên ngành số 1 đã tiến hành xử phạt 3 cơ sở vi phạm gồm hộ kinh doanh Nguyễn Thiện Hoài,  Nguyễn Trọng Bình (cùng ở thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) và Nguyễn Văn Sáu (thôn Ia Lâm, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) với số tiền 5,5 triệu đồng về hành vi thiếu các chỉ tiêu bắt buộc trên nhãn mác, đồng thời buộc các cơ sở này ngừng kinh doanh cây ăn quả không rõ nguồn gốc. Riêng 43 trường hợp vi phạm khác, các địa phương đã tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu ký cam kết không tái phạm …

Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê, cho hay: Trước vi phạm của các cơ sở kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn, huyện đã tuyên truyền, nhắc nhở các hộ  kinh doanh nhỏ lẻ phải hoàn chỉnh các thủ tục theo đúng quy định về tiêu chuẩn của vườn ươm; phổ biến các quy định của pháp luật để người dân và chủ cơ sở biết, tránh vi phạm… Tại huyện Chư Pah, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật, Đội Quản lý Thị trường số 3 thông báo các cơ sở, cá nhân kinh doanh giống cây trồng vi phạm và yêu cầu ký cam kết khắc phục các lỗi, nếu tái phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo ông Vũ Mạnh Hùng-Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT: Giống cây trồng là yếu tố quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Đầu mỗi vụ sản xuất, các loại cây giống có nguồn gốc chiết, ghép ở các tỉnh khác đưa vào tỉnh tiêu thụ khá nhiều. Vì vậy, hàng năm, Sở thành lập các đoàn thanh-kiểm tra chất lượng giúp người dân lựa chọn cơ sở có nguồn cây giống đảm bảo. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tập trung thanh-kiểm tra chất lượng giống cây trồng và định kỳ báo cáo về Sở để có hướng chỉ đạo. Sở sẽ kiên quyết xử lý những hộ kinh doanh cây giống kém chất lượng, nêu tên cơ sở vi phạm lên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và không  mua giống ở cơ sở đó; khuyến cáo người dân và các chủ trang trại khi mua cây giống phải có đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ… Khó khăn lớn nhất hiện nay trong quá trình thanh-kiểm tra về giống cây trồng là lực lượng còn mỏng, kinh phí hạn chế… vì vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn của các địa phương và ngành chức năng…

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.