Đak Pơ gặp khó trong công tác thu ngân sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù có nhiều nỗ lực trong công tác thu ngân sách nhà nước, song những tháng đầu năm nay tình hình thực hiện ở Đak Pơ vẫn gặp không ít khó khăn do nguồn thu hạn hẹp, số thu phát sinh thấp khiến nhiều sắc thuế không đảm bảo tiến độ đề ra.

Đak Pơ là một trong những địa phương có số thu ngân sách nhà nước rất thấp do đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế của huyện tác động lớn đến nhiệm vụ thu hàng năm. Năm nay, huyện Đak Pơ được giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 26 tỷ đồng, trong đó riêng số thu do cơ quan thuế quản lý là 20,3 tỷ đồng.

 

Một góc thị trấn Đak Pơ. Ảnh: K.N.B
Một góc thị trấn Đak Pơ. Ảnh: K.N.B

Theo báo cáo của Chi cục Thuế huyện Đak Pơ, tính đến ngày 14-4, số thu do cơ quan thuế quản lý là 7,23 tỷ đồng (đạt 35,62%). Tổng số thu đạt được nhìn chung vẫn đảm bảo, nhưng nhiều khoản thu, sắc thuế đạt rất thấp, như thuế giá trị gia tăng đạt 14% dự toán, thuế thu nhập cá nhân đạt 29,72%, lệ phí trước bạ 20,9%, thu tiền thuê đất 1,42%, các khoản thu phí và lệ phí 26,4%... Chỉ duy nhất có một khoản đạt cao là thu từ tiền sử dụng đất 4,2 tỷ đồng (đạt 105% dự toán) do huyện đã có nhiều giải pháp quản lý đất đai chặt chẽ, việc khai thác các nguồn thu từ đất đai được triển khai thuận lợi.

Hiện nay, 2 nguồn thu chính trên địa bàn là thu tiền sử dụng đất và thuế công thương nghiệp và dịch vụ khu vực ngoài quốc doanh. Là một huyện thuần nông, hoạt động thương mại-dịch vụ chưa phát triển mạnh nhưng thu thuế lĩnh vực này vẫn là một nguồn lớn mang tính quyết định, bởi hàng năm riêng thuế công thương nghiệp và dịch vụ khu vực ngoài quốc doanh đã chiếm tỷ trọng hơn 45% trong tổng nguồn thu. Năm nay, thuế công thương nghiệp và dịch vụ khu vực ngoài quốc doanh của Đak Pơ được giao là 9,4 tỷ đồng, song tiến độ thu đến thời điểm này mới chỉ hơn 1,3 tỷ đồng, đạt hơn 14% so với dự toán pháp lệnh năm 2017.

Ông Trương Văn Thành-Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Đak Pơ cho biết: Trên địa bàn huyện có 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, khai thác đá, kinh doanh vật liệu xây dựng, xăng dầu và hơn 200 hộ kinh doanh cá thể nằm rải rác ở địa bàn 8 xã, thị trấn. Đặc thù địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, phân tán không tập trung dẫn đến việc triển khai công tác thu không được thuận lợi. Mặt khác, một số doanh nghiệp không tiêu thụ được hàng hóa nên giảm doanh thu, nhiều doanh nghiệp còn rơi vào tình trạng thua lỗ, sản xuất cầm chừng, dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế… Trước tình hình đó, Chi cục Thuế đã triển khai các biện pháp thu nợ theo quy trình quản lý thuế nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa cao.

Ngoài yếu tố khách quan, sự hợp tác của người nộp thuế đóng vai trò quan trọng, tác động không nhỏ đến kết quả thu ngân sách. Ngay từ đầu năm, Chi cục Thuế huyện Đak Pơ đã chủ động nắm bắt thực trạng sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp, từng hộ ở từng địa bàn, qua đó phổ biến, tuyên truyền các chính sách thuế; tích cực vận động doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện kê khai thuế đúng hạn và đảm bảo chất lượng tờ khai từ đó làm cơ sở để thực hiện công tác thu. Bên cạnh đó, Chi cục đã áp dụng các giải pháp phù hợp để nuôi dưỡng nguồn thu, bù đắp các khoản thu, sắc thuế có nguy cơ sụt giảm; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thuế; phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương thực hiện đôn đốc nghĩa vụ thuế, chống gian lận thương mại.

Ông Nguyễn Trường-Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ nhận định: Hiện nay, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn vừa ít mà quy mô lớn cũng không nhiều, một số doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng, sản xuất kinh doanh không hiệu quả. Mặt khác, thu nhập của người dân hoàn toàn dựa vào sản xuất nông nghiệp nên khi thu nhập giảm đã kéo giảm sức mua, gây ảnh hưởng đến tình hình phát triển thương mại-dịch vụ, từ đó tác động trực tiếp đến công tác thu ngân sách trên địa bàn. Huyện phấn đấu đến năm 2020 có 99 doanh nghiệp nhưng đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Trong quá trình thực hiện sẽ chuyển từ hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp, nhưng điều quan trọng là hộ kinh doanh cá thể phải có đủ lực mới thực hiện được. Sắp tới, huyện sẽ đẩy mạnh vận động và tạo cơ chế thuận lợi để đảm bảo thực hiện mục tiêu đề ra, phấn đấu tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Cùng với các giải pháp tăng thu từ hoạt động kinh doanh, để khai thác nguồn thu từ đất, từ nay đến cuối năm, Đak Pơ sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, kiểm kê đất đai; đồng thời xây dựng theo quy hoạch, đấu giá quyền sử dụng đất các khu quy hoạch nhằm khai thác các nguồn thu từ đất góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.