Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 năm 2017

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 11-3, tại Buôn Ma Thuột ( Đak Lak), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Đak Lak tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4-2017.
 

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc-Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đến dự và chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì còn có Thượng tướng Tô Lâm-Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên; đồng chí Điểu Kré-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng; Bí thư Tỉnh ủy Đak Lak Êban Y Phu.

Về phía tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Võ Ngọc Thành; đại diện lãnh đạo các Sở, ngành và 9 doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Hội Nghị đã đánh giá kết quả thu hút đầu tư giai đoạn 2011-2015 và định hướng thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020. Trong giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn vốn đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên đã tăng lên 265,7 ngàn tỷ đồng, gấp đôi so với gai đoạn 2006-2010. Tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn trên đạt 11,3%/năm. Các địa phương trong khu vực đẩy mạnh việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước và vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Đặc biệt, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) các tỉnh Tây Nguyên đã được cải thiện. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng đáng kể so với số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động (2.686/1.277). Hiện toàn vùng có 20.300 doanh nghiệp đang hoạt động.

Phát biểu về tiềm năng, định hướng chính sách thu hút đầu tư vùng Tây Nguyên 2016-2020, đồng chí Điểu Kré-Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhấn mạnh: Hội nghị sẽ là cú hích cần thiết để tạo điều kiện cơ hội cho các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương và trao đổi về khả năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp (chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi đại gia súc); công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ du lịch, tín dụng, phát triển các nguồn năng lượng sạch. Đồng thời thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp tại Tây Nguyên.

Hội nghị đã nghe một số phát biểu của đại diện các Bộ, ngành và một số doanh nghiệp trong và ngoài nước về tiềm năng, thế mạnh và công tác thu hút đầu tư tại địa bàn Tây Nguyên. Qua đó nêu bật được những lợi thế cũng như những hạn chế cần khắc phục để Tây Nguyên có thể thu hút được doanh nghiệp đến đầu tư, tạo sự chuyển biển tích cực cho kinh tế vùng.

 

Ảnh: K.L
Ảnh: K.L

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Tây Nguyên như “một cô gái đẹp ngủ quên, chưa được đánh thức”. Vì vậy, để Tây Nguyên phát triển hơn, Thủ tướng chỉ đạo trong thời gian tới, các tỉnh Tây Nguyên tập trung đầu tư du lịch, chú trọng giữ gìn văn hoá bản địa; hình thành các vùng chuyên canh lớn, phát triển nông nghiệp sạch; chú trọng bảo vệ và phát triển rừng; tập trung vào “bài toán” phát triển công nghiệp bằng việc hiện đại hoá nông nghiệp; tập trung hết các nguồn lực để có những công trình hạ tầng then chốt vùng Tây Nguyên; phát triển liên kết vùng. Đặc biệt, các tỉnh phải cải thiện môi trường đầu tư.

Ngay tại Hội nghị, đã có 12 dự án được trao chứng nhận đầu tư và 2 dự án ghi nhớ, trong đó Gia Lai có 2 doanh nghiệp là: Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Gia Lai với dự án Khu điều trị dịch vụ chất lượng cao và Công ty Cổ phần giống NAFOODS với dự án Xây dựng Viện nghiên cứu giống cây trồng công nghệ cao; đồng thời các ngân hàng cũng ký cam kết tín dụng đầu tư với các địa phương, doanh nghiệp.

Kết luận tại Hội nghị, đồng chí Tô Lâm-Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhận định, Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của vùng, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại và quảng bá du lịch; tạo điều kiện, cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, góp phần huy động các nguồn lực phát triển nhanh và bền vững, thực hiện an sinh xã hội, góp phần xoá đói giảm nghèo cho nhân dân trong vùng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

(GLO)- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 26-3-2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.