Gia Lai: Tiến độ tái canh cà phê còn chậm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 8-3, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết tình hình triển khai thực hiện kế hoạch trồng tái canh và ghép cải tạo cà phê trên địa bàn tỉnh năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017.

Ảnh: Lê Nam
Ảnh: Lê Nam

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh tái canh và ghép cải tạo 13.660 ha. Trong đó, năm 2016 trồng tái canh 4.302 ha và ghép cải tạo 10 ha. Để thực hiện kế hoạch tái canh cà phê, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Các huyện, thành phố tổ chức 101 buổi tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật với 4.374 người tham gia.

Tuy nhiên, tổng diện tích tái canh trong năm 2016 chỉ đạt 1.467 ha (đạt 34,2% kế hoạch); giải ngân gói tín dụng vay tái canh cho khu vực doanh nghiệp được hơn 15 tỷ đồng và cho hộ nông dân được 55 triệu đồng/hộ. Nguyên nhân diện tích tái canh năm qua đạt thấp là do công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến kế hoạch tái canh và quy trình vay vốn còn hạn chế; vận dụng quy trình tái canh theo Quyết định số 273/QĐ-TT-CCN của Cục Trồng trọt-Bộ Nông nghiệp và PTNT chưa linh hoạt; nông dân không tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng do quy trình thủ tục vay vốn yêu cầu cao.

Năm 2017, toàn tỉnh sẽ tái canh 2.217 ha, ghép cải tạo 10 ha và bổ sung 2.835 ha chưa thực hiện được trong kế hoạch năm 2016.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên nhấn mạnh: Cần đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách hỗ trợ người dân thực hiện tái canh cà phê. Các sở, ban, ngành, địa phương thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, tích cực tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai. Xác định cụ thể diện tích tái canh để ngân hàng có cơ sở giải ngân vốn vay. Các địa phương tổ chức ươm giống và liên hệ với các cơ sở giống đảm bảo chất lượng cấp cho người dân tái canh. Phía ngân hàng xem xét giải quyết những đề xuất, kiến nghị của địa phương, nâng mức cho vay lên hơn 150 triệu đồng/ha, thủ tục nhanh gọn...

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.