Thêm gần 300 triệu USD vốn FDI rót vào bất động sản Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tháng đầu năm nay, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thêm gần 300 triệu USD vào thị trường bất động sản Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 1-2017, trong tổng số vốn FDI đăng ký của các dự án cấp mới và vốn bổ sung đạt 1.423 triệu USD, thì vốn vào lĩnh vực bất động sản đạt 297,4 triệu USD.

Số vốn này chiếm 20,9% tổng vốn FDI vào Việt Nam tháng đầu năm nay. Mặc dù trong tháng 1 ngành kinh doanh bất động sản không có dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư.

Vốn FDI vào bất động sản "chất" hơn

Theo nhiều dự báo, lĩnh vực kinh doanh bất động sản ở Việt Nam vẫn tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vì nhiều tiềm năng sinh lời. Theo GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI Việt Nam, nhìn lại năm 2016 thì thấy vốn FDI vào bất động sản Việt Nam đạt khoảng 1,3 tỷ USD, giảm 44% so với cùng kỳ 2015. Vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chiếm 10% tổng vốn FDI đăng ký trong năm 2016, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2015 (11,5%).


 

Thị trường BĐS Việt Nam tiếp tục hấp dẫn dòng vốn FDI
Thị trường BĐS Việt Nam tiếp tục hấp dẫn dòng vốn FDI


Trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam được đánh giá là đang tăng trưởng trở lại, nhưng vốn FDI vào suy giảm, theo GS. Nguyễn Mại, đây là tín hiệu không lạc quan lắm về lượng. Tuy nhiên, xét về chất của dòng vốn FDI thì nhìn chung các dự án có chất lượng hơn và tỷ lệ vốn FDI thực hiện cao hơn. Đó là xu hướng tích cực trong thu hút FDI nói chung và FDI vào bất động sản.

Bởi vì, những năm từ 2007 đến 2010 tuy có nhiều dự án bất động sản hàng tỷ USD, nhưng tỷ lệ vốn thực hiện khá thấp, khoảng 25%, một số dự án không được triển khai đã bị thu hồi Giấy đăng ký đầu tư. Từ 2011 đến nay khoảng lệch giữa vốn đăng ký với vốn thực hiện đã thu hẹp nhiều do phần lớn dự án FDI đã rút ngắn thời gian triển khai xây dựng; có dự án vốn đầu tư 3 tỷ USD chỉ mất khoảng một năm kể từ khi có Giấy đăng ký đầu tư đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành.

Thực tế đã có một số dự án FDI lớn tại TP. Hồ Chí Minh như Creed Group đầu tư vào City Gate 500 triệu USD River City với Phát Đạt và An Gia Investment, Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad hợp tác với Nam Long. Gần đây Toshin Development đã đề xuất đầu tư dự án Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành. JICA cho biết Nhật Bản giúp Việt Nam đầu tư dự án chống ngập ở TP. Hồ Chí Minh trị giá 211 triệu USD, bắt đầu thực hiện vào năm 2017, nhà đầu tư sẽ được nhận khu đất trị giá ngang với tổng mức đầu tư của dự án để phát triển chung cư 20 tầng.

Maeda với Thiên Đắc phát triển dự án căn hộ cao cấp Waterina (Quận 2), Global Group bắt tay với Công ty CP Nhà Mơ đầu tư dự án ở Quận 8; Pressance Corporation ký hợp tác với Tiến Phát để cùng mua lại một dự án và triển khai xây dựng 500 căn hộ, với tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, theo GS. Nguyễn Mại, những nhà đầu tư ngoại cũng khá nhanh nhạy với thị trường. Họ không chỉ tham gia vào phân khúc cao cấp và hạng sang như trước đây, mà còn đẩy mạnh hợp tác phát triển dòng sản phẩm trung bình khá và nhà ở xã hội  nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của đại bộ phận người dân Việt Nam theo tiêu chuẩn nhà ở của Nhật, Hàn Quốc, Singapore.

Thị trường bất động sản cũng đang đón nhận tin vui khi các nhà đầu tư, công ty quản lý địa ốc chuyên nghiệp từ Nhật Bản sau nhiều năm nghiên cứu đã bắt đầu "đổ bộ" vào Việt Nam. Ngày 5/9/2016, Công ty Cổ phần Nhà Mơ đã ký hợp đồng hợp tác toàn diện với Tập đoàn The Global Group, nhà đầu tư, phát triển và quản lý BĐS hàng đầu Nhật Bản. Một thương vụ khác cũng vừa diễn ra giữa Công ty Cổ phần Nhà Hòa Bình với hai tập đoàn của Nhật Bản là Okamura Home và Sanyo Homes.

Đáng chú ý là nếu như trước đây Nhật Bản  đầu tư vào bất động sản chủ yếu dưới dạng đầu tư tài chính, thì hiện nay một số tập đoàn bất động sản hàng đầu của Nhật Bản đầu tư trực tiếp vào dự án sẽ có tác động nâng cao chất lượng của thị trường Việt Nam, nhất là ở những đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.

Vì sao thị trường BĐS Việt Nam vẫn hấp dẫn vốn FDI?

Vì sao thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài nhất là từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore?  

Ngoài những nguyên nhân về môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt, tạo nên lợi thế so sánh hơn các nước trong khu vực, thì theo GS. Nguyễn Mại, có hai nhân tố gắn với thị trường bất động sản: Một là dự báo tầng lớp trung lưu của Việt Nam tăng nhanh trong những năm sắp đến, mà theo Ngân hàng HSBC nhận định thì có tốc độ nhanh nhất Đông Nam Á, từ 12 triệu vào năm 2012 tăng lên 33 triệu người vào năm 2020.

Hai là, việc Chính phủ Việt Nam cho người nước ngoài sở hữu nhà đang tạo nên sự khác biệt trên thị trường nhất là phân khúc cao cấp, vì khi họ đầu tư thì được hưởng tỷ suất sinh lợi 7 - 8% tại thị trường Việt Nam, trong khi ở nước họ chỉ 1-2%. Điều này sẽ thu hút một lượng lớn vốn FDI vào thị trường BĐS Việt Nam, đặc biệt là những dự án có vị trí, thiết kế đẹp, pháp lý minh bạch, môi trường sống tốt.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.