Dự án nâng cấp quốc lộ 19: Chờ kinh phí để khởi động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong buổi làm việc với tỉnh Gia Lai vào tháng 12-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với đề xuất triển khai dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 19 đoạn từ TP. Pleiku đi thị trấn Đak Đoa (huyện Đak Đoa) với chiều dài khoảng 5 km; đồng thời chỉ đạo Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí kinh phí.

Một tin vui khác là mới đây (18-1), Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã đồng ý phê duyệt đề xuất dự án “Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên”, hiện chỉ chờ bố trí nguồn kinh phí để sớm khởi động.

Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

Anh Võ Thanh Sơn-Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa cho biết: Nhà anh ở TP. Pleiku, hàng ngày đi lại trên tuyến đường này thường xuyên chứng kiến các vụ tai nạn giao thông. Đây là đoạn đường khá hẹp, có góc cua khuất, chỉ cần lái xe lơ đãng một tí hoặc thiếu quan sát là xảy ra tai nạn ngay. Đáng chú ý là lượng xe tải, xe khách chạy tuyến TP. Pleiku đi Quy Nhơn rất đông, lại thường xuyên lấn tuyến, phóng nhanh vượt ẩu khiến người đi đường phải nép sát vào lề trong nỗi sợ hãi. “Tôi cũng như những người tham gia giao thông hy vọng đoạn đường này sớm được sửa chữa, mở rộng, tạo thuận lợi cho các phương tiện tham gia giao thông”.


 

Tuyến đường lại quá chật hẹp so với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông, mỗi lần tránh, vượt rất nguy hiểm. Ảnh: M.N
Tuyến đường lại quá chật hẹp so với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông, mỗi lần tránh, vượt rất nguy hiểm. Ảnh: M.N

Trung tá Phan Tiến Doãn-Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông Công an TP. Pleiku nhận định: Mặt đường trên tuyến quốc lộ này đang bị xuống cấp nghiêm trọng, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày một đông trong khi tuyến đường lại quá chật hẹp, mỗi lần tránh, vượt rất nguy hiểm. Nghiêm trọng hơn nhiều đoạn tuyến bị nút thắt cổ chai, khúc cua gấp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Do vậy, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn tuyến quốc lộ 19 từ TP. Pleiku đến thị trấn Đak Đoa theo quy mô đường đô thị là hết sức cần thiết.
 

Khúc cua An Phú-xã An Phú TP. Pleiku-đoạn đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Ảnh: M.N
Khúc cua An Phú-xã An Phú TP. Pleiku-đoạn đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Ảnh: M.N

Trước đó, tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang đã kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành quan tâm bố trí vốn để triển khai xây dựng đoạn đường nối TP. Pleiku với thị trấn Đak Đoa nhằm cải thiện khả năng lưu thông, hạn chế tai nạn giao thông trên đoạn tuyến, đồng thời tạo điều kiện phát triển đô thị Pleiku về phía Đông nói riêng và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung.

Tiếp đến, ngày 7-12-2016, Bộ Kế hoạch-Đầu tư có Văn bản 10164/BKHĐT-KTĐN trình Thủ tướng phê duyệt đề xuất dự án “Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên” bằng hình thức vay vốn Ngân hàng thế giới (WB). Ngày 12-1-2017, UBND tỉnh Gia Lai tiếp tục có công văn 140/UBND-CNXD gửi Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt đề xuất dự án để đẩy nhanh quá trình chuẩn bị đầu tư dự án trên.

“Sẽ hoàn thành vào năm 2022”

 

Quốc lộ 19 đoạn qua huyện Mang Yang. Ảnh: M.N
Quốc lộ 19 đoạn qua huyện Mang Yang. Ảnh: M.N

Trao đổi với P.V Báo Gia Lai, ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho biết: Hiện tại, Sở đang dự tính triển khai dự án theo một trong 2 hướng. Một là tiếp tục kiến nghị Bộ Giao thông-Vận tải, Bộ Kế hoạch-Đầu tư trình Chính phủ đưa dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng quốc lộ 19, đoạn TP. Pleiku đến thị trấn Đak Đoa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; tùy theo nguồn vốn trung ương được cân đối, bố trí để triển khai thi công. Hai là dự án “Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên” dùng nguồn vốn vay của WB hoàn thành nâng cấp quốc lộ 19, đoạn từ TP. Quy Nhơn-Bình Định đến Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, dài 229 km theo tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe, trong đó có đoạn tuyến từ TP. Pleiku đến thị trấn Đak Đoa.

Theo Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Nguyến Hữu Quế, trong 2 hướng này, nguồn vốn nào được bố trí trước thì kế hoạch kia sẽ dừng lại. “Theo tiến độ, dự kiến đến ngày 30-6 tới đây, Chính phủ sẽ ký Hiệp định vay vốn với WB, đến đầu năm 2019 sẽ triển khai thi công và hoàn thành việc nâng cấp toàn bộ tuyến đường này vào năm 2022”-ông Quế thông tin.

Cũng theo ông Quế, ngày 18-1, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi các Bộ Giao thông-Vận tải, Tài chính, Kế hoạch-Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh. Theo đó, Phó thủ tướng đồng ý phê duyệt đề xuất dự án “Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên” vận động nguồn vốn vay IDA của WB để đầu tư như kiến nghị. Trong đó, việc sử dụng vốn vay cho giải phóng mặt bằng cần được cân nhắc kỹ lưỡng và phải được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, cho chủ trương. Phó Thủ tướng cũng giao các bộ Giao thông-Vận tải, Tài chính, Kế hoạch-Đầu tư  rà soát xây dựng lộ trình đầu tư, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án; xác định cơ chế tài chính phù hợp; phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định nguồn vốn vay cho dự án, vốn đối ứng, khả năng cân đối vốn… trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Minh Nguyễn

Quốc lộ 19 là tuyến đường huyết mạch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Gia Lai trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Tuyến đường có vai trò kết nối giữa tỉnh Bình Định và Gia Lai với điểm đầu từ cảng Quy Nhơn đến điểm cuối tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Hiện tại, trên tuyến đường này nhiều đoạn tuyến chưa được đầu tư qua thời gian sử dụng đã hư hỏng, xuống cấp, tiểm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.