Gia Lai trong tiềm năng của Tam giác phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai là tỉnh có diện tích lớn nhất Tây Nguyên, rộng thứ 2 ở nước ta, là tỉnh trung tâm trong số 13 tỉnh của Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Năm 2016, các  mặt hàng nông sản chủ lực ở Gia Lai đóng góp hàng tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của quốc gia, nhiều sản phẩm đứng tốp đầu cả nước như hồ tiêu, cà phê, cao su, mía đường, đàn bò...
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhìn lại xuất phát điểm năm 1975-sau ngày nước nhà thống nhất mới thấy hết sự đổi thay thần tốc của Gia Lai hơn 40 năm qua. Bước vào xây dựng quê hương trong điều kiện một tỉnh miền núi, hạ tầng cơ sở gần như chưa có gì, điều kiện kinh tế-xã hội rất thấp, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, hơn 70% dân số nghèo đói, sản xuất lạc hậu, nặng về tự túc, tự cấp, chưa có tư duy sản xuất hàng hóa; giáo dục, y tế gần như còn trắng nhiều nơi; các thế lực phản động, thù địch nhất là FULRO ra sức chống phá..., thế nhưng đến nay Gia Lai đã xây dựng được nền tảng kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng khá vững chắc. Đời sống mọi mặt của người dân đã thay đổi; hạ tầng kinh tế, kỹ thuật phát triển rộng đều khắp các huyện thị từ phía Đông Nam đến Tây Bắc tỉnh.

Trong vị trí địa kinh tế của Tam giác phát triển (bao gồm 13 tỉnh  là: Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri, Kratie ở miền Đông Bắc Campuchia; Attapeu, Salavan, Sekong và Champasak ở Nam Lào; Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông và Bình Phước ở Việt Nam), Gia Lai ở vị trí khá trung tâm và là tỉnh gần nhất kết nối giữa các tỉnh trong Tam giác phát triển Lào-Campuchia với Việt Nam ra biển qua cảng Quy Nhơn. Từ TP. Pleiku đi đến trung tâm tỉnh Ratanakiri chưa đầy 3 giờ, đi đến Stung Treng chỉ 5 giờ ô tô và đến Kratie, Mondulkiri chỉ trong ngày. Từ Gia Lai đi Attapeu, Salavan, Sekong, Champasak bằng đường bộ cũng sáng đi, trưa chiều đến. Đây là cự ly thuận lợi để giao thương hàng hóa, giao lưu văn hóa và thu hút khách du lịch. Những năm qua, doanh nhân Gia Lai đã sang Lào, Campuchia đầu tư hàng trăm triệu USD và nhiều dịch vụ ở Gia Lai như y tế, du lịch đã thu hút đáng kể sự quan tâm của cư dân Campuchia, Lào.

Dân số hơn 1,4 triệu người, tiềm năng đất đai, đồi núi còn khá phong phú, diện tích cây công nghiệp tập trung lớn, Gia Lai hứa hẹn sẽ là nơi các nhà đầu tư chiến lược quan tâm đến nghề trồng rừng và chế biến cà phê, cao su, hồ tiêu, thức ăn gia súc... Đồng thời, với tiềm năng, lợi thế sẵn có, lãnh đạo tỉnh đang nỗ lực cải cách các thủ tục hành chính, dành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, làm ăn lâu dài tại Gia Lai.

Trong các ngành kinh tế được hoạch định thời gian tới, chưa bao giờ quyết tâm phát triển “ngành công nghiệp không khói” được lãnh đạo Gia Lai quan tâm mạnh mẽ như hiện nay. Với ưu thế là vùng có khí hậu mát mẻ, ôn hòa quanh năm, Pleiku đang hướng quyết tâm xây dựng đô thị nghỉ dưỡng, đô thị vì sức khỏe. Ngoài những danh lam, thắng cảnh được quan tâm đầu tư, phát huy lợi thế, ngành du lịch Gia Lai đang hướng vào chiều sâu với lợi thế đặc thù để giữ chân du khách. Pleiku còn là vùng đất đặc biệt, nơi mà mỗi giọt mưa có thể chảy về hai nẻo Đông-Tây, một nửa xuôi về phía Đông qua sông Ayun, sông Ba về Phú Yên, nửa giọt nước còn lại trôi về hướng Tây qua Sê San, về Mê Kông, Campuchia.

Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này mặc dù được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, song cũng được sự quan tâm của Chính phủ, của bạn bè quốc tế và nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài nước. Điều này cho thấy tầm vóc và tiềm năng của đất và người Gia Lai trong xu thế hội nhập với các tỉnh bạn trong nước và quốc tế. Khu vực Tam giác phát triển có được như kỳ vọng của lãnh đạo 3 nước Việt Nam, Campuchia, Lào hay không là nhờ vào sự nỗ lực lớn từ mỗi tỉnh, trong đó vai trò đầu mối, kết nối của Gia Lai là rất đáng chú ý. Sự đầu tư, phát triển của Gia Lai không chỉ thúc đẩy sự phát triển của khu vực Bắc Tây Nguyên mà còn là động lực cho cả khu vực rộng lớn hơn trong Tam giác phát triển của 3 nước.

Nhật Cường

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.