Gia Lai: Thảm đỏ đón nhà đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lần thứ 4 tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư với nhiều nội dung quan trọng; sự chuẩn bị chu đáo từ giới thiệu quảng bá tiềm năng thế mạnh, tổ chức hội thảo, triển lãm, danh mục dự án, lĩnh vực khuyến khích ưu đãi đầu tư…, Gia Lai tin tưởng sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới vào địa phương này.

Tiềm năng dồi dào

Gia Lai là vùng đất hình thành lâu đời và có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế-xã hội. Đây là địa phương có hệ thống giao thông khá đồng bộ: quốc lộ 14, 19, 25, đường Trường Sơn Đông kết nối với các tỉnh Trung bộ, Nam bộ, Tây Nguyên, thông sang nước bạn Campuchia. Ngoài đường bộ, Gia Lai còn có Cảng Hàng không Pleiku vừa được nâng cấp cải tạo, có khả năng đáp ứng máy bay A320, 321. Nhiều năm xây dựng, Khu Công nghiệp Trà Đa được đầu tư khép kín và mở rộng. Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) có nhiều tiềm năng hợp tác phát triển với các nước trong Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.

 

Gia Lai-điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư. Ảnh: ĐỨC THỤY
Gia Lai-điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư. Ảnh: Đức Thụy

Đặc biệt theo khảo sát, điều tra, quy hoạch, tỉnh nhà hiện có trên 1 triệu ha rừng và đất rừng; gần 500.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, phù hợp với cây trồng hàng hóa ngắn và dài ngày. Hiện toàn tỉnh có trên 100.000 ha cao su, sản lượng gần 100.000 tấn mủ khô; 78.000 ha cà phê, sản lượng 197.500 tấn nhân; trên 13.600 ha hồ tiêu, sản lượng 39.600 tấn; 38.000 ha mía, sản lượng 2,2 triệu tấn… Nhờ làm tốt quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu gắn liền với các cơ sở chế biến nên trên địa bàn tỉnh có 6 nhà máy chế biến mủ cao su, tổng công suất 100.000 tấn/năm; 2 nhà máy chế biến hạt điều xuất khẩu, công suất 20.000 tấn/năm; 1 nhà máy chế biến gỗ MDF công suất 54.000 m3/năm; 2 nhà máy chế biến đường, công suất 18.000 tấn mía cây/ngày; 4 nhà máy chế biến tinh bột mì, công suất 66.000 tấn/năm; 2 nhà máy chế biến tiêu sạch công suất 10.000 tấn/năm. Ngoài ra, Gia Lai còn có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào để phát triển công nghiệp sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, trang trí nội-ngoại thất…

Gia Lai còn có bề dày truyền thống và giá trị văn hóa đa dạng, tiêu biểu là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể nhân loại, các lễ hội và phong tục độc đáo như di tích lịch sử văn hóa Tây Sơn Thượng đạo, lễ cầu mưa, cầu mùa… Gia Lai cũng sở hữu rất nhiều thắng cảnh nổi tiếng như Biển Hồ, thác Phú Cường, hồ Ayun Hạ, thác Chín Tầng, các khu rừng nguyên sinh, cảnh quan không gian tươi đẹp, trù phú và các công trình hiện đại, bề thế ra đời trong công cuộc xây dựng và phát triển.

Những chính sách phù hợp

Khai thác tiềm năng lợi thế, trong đó có đẩy mạnh thu hút đầu tư, Gia Lai đã có những bước tiến đáng kể, tăng trưởng khá cao, thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên, thu ngân sách tăng… Cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư, bộ mặt thành thị, nông thôn có nhiều đổi mới. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng tiến bộ.

 

Cảng Hàng không Pleiku vừa được nâng cấp, cải tạo.                                   Ảnh: NGUYỄN GIÁC
Cảng Hàng không Pleiku vừa được nâng cấp, cải tạo. Ảnh: Nguyễn Giác

Tuy nhiên vì là địa phương có xuất phát điểm thấp, tốc độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, nên đẩy mạnh thu hút đầu tư góp phần tạo sự đột phá trong sự phát triển kinh tế-xã hội luôn là thôi thúc của lãnh đạo, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh. Trên cơ sở quy định của luật pháp, học tập và tham khảo chính sách từ một số địa phương năm 2003, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 451 quy định khuyến khích và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Song song đó, tỉnh tập trung hoàn thành các quy hoạch, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xử lý nghiêm các hành vi gây nhũng nhiễu, khó khăn, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị tránh chồng chéo, lạm quyền, thiếu trách nhiệm; tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư; quyết liệt triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện chính sách miễn giảm thuế, ưu tiên nguồn vốn, nhất là với các lĩnh vực ngành nghề ưu tiên….

Trong các nỗ lực thu hút đầu tư, sau một thời gian ban hành, nhận thấy Quyết định 451 có chỗ chưa hợp lý, cụ thể ở khoản 2 Điều 6 và khoản 2 Điều 7-phần tăng thêm tiền thuê đất và ưu đãi thuế VAT vượt khung so với quy định chung của Chính phủ, tỉnh đã nghiêm túc rút kinh nghiệm và bãi bỏ 2 điểm này. Vào thời điểm đó, vướng mắc của nhà đầu tư đã được tháo gỡ, không gặp trở ngại nào. Chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư của tỉnh được cập nhật bổ sung, hướng tới đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật.

Hội nghị xúc tiến đầu tư lần thứ 4 này, Gia Lai chú trọng mời gọi các nhà đầu tư đến thực hiện các dự án quan trọng, hấp dẫn, khả năng sinh lời lớn, đi kèm với đòi hỏi tương xứng về tiến bộ khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường. Quyết định số 21/2005/QĐ-UB của UBND tỉnh ngày 11-9-2015 ban hành quy định về một số chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư áp dụng tại địa bàn tỉnh, xác định rõ 9 ngành nghề và lĩnh vực ưu đãi, như: sản xuất các sản phẩm từ mủ cao su; gạch không nung; chế biến cà phê hòa tan và cà phê bột; chế biến sản phẩm hồ tiêu; đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại; đầu tư xây dụng các khu du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử; đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu-cụm công nghiệp; sản xuất tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.