Agribank Gia Lai chuẩn bị chia tách làm 2 chi nhánh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Ngày 1-11-2016, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai (Agribank Gia Lai) thực hiện chia tách và thành lập thêm Chi nhánh Đông Gia Lai. Nhân sự kiện này, chúng tôi xin điểm lại một số kết quả nổi bật của Chi nhánh (CN) đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian qua, cũng như định hướng và giải pháp kinh doanh của 2 đơn vị trong thời gian tới.

Tháng 3-1988, Agribank-CN tỉnh Gia Lai (tiền thân là Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp tỉnh Gia Lai-Kon Tum) được thành lập. Đến nay, CN có 32 đơn vị trực thuộc và gần 1.300 tổ vay vốn thuộc các tổ chức chính trị-xã hội, bảo đảm vốn tín dụng Agribank phủ sóng tất cả các thôn, làng, tổ dân phố.

 

Trụ sở Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai.    Ảnh: T.S
Trụ sở Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai. Ảnh: T.S

Nếu giai đoạn 1988-1991 là thời kỳ chuyển đổi mô hình quản lý, đánh dấu sự ra đời của ngân hàng hai cấp: cấp quản lý nhà nước và cấp trực tiếp kinh doanh, tập trung sắp xếp tổ chức nhân sự thì giai đoạn 1992-1996 là sự phát triển mạnh mẽ tín dụng hộ sản xuất, thực hiện cơ chế khoán tài chính và mở rộng mạng lưới. Nguồn vốn huy động giai đoạn này tăng bình quân 48%/năm, tổng dư nợ cho vay tăng 69%/năm. Giai đoạn 1997- 2007, CN tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển trên nền kinh doanh tín dụng truyền thống, ứng dụng tin học vào hoạt động ngân hàng. Từ năm 2008 đến nay, CN chú trọng hiện đại hóa hoạt động, phát triển dịch vụ ngoài tín dụng, củng cố nâng cao chất lượng tín dụng.

Sự phát triển của CN trước tiên thể hiện ở tốc độ tăng trưởng rất cao. Nguồn vốn huy động tại địa phương tăng bình quân 29%/năm; tổng dư nợ cho vay tăng bình quân 30%/năm, đi đôi với kiểm soát tốt nguồn vốn để đảm bảo chất lượng tín dụng. Trong 10 năm trở lại đây, nguồn vốn huy động tăng bình quân 22,6%/năm; tổng dư nợ cho vay tăng bình quân 15,8%/năm; tỷ lệ nợ xấu luôn khống chế ở mức cho phép; thu dịch vụ tăng bình quân 33%/năm. Đặc biệt trong 5 năm trở lại đây, nguồn vốn huy động tăng bình quân 21,4%/năm, đến nay đạt số dư 8.177 tỷ đồng, gấp 2,6 lần của 5 năm trước; tổng dư nợ cho vay tăng bình quân 13,1%/năm, đến nay đạt 12.300 tỷ đồng, gấp 1,8 lần; tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,58%/tổng dư nợ; thu dịch vụ tăng bình quân 29,5%/năm, ước cả năm 2016 đạt doanh thu 50,5 tỷ đồng, gấp 3,6 lần. Lượng khách hàng bình quân tăng 4,5%/năm, đến ngày 30-9-2016 có 173 ngàn khách hàng tiền gửi, 65 ngàn khách hàng tiền vay, 162 ngàn khách hàng sử dụng dịch vụ.

Tuy hoạt động trên địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, song Agribank Gia Lai luôn triển khai hiệu quả mục tiêu kinh doanh, tăng trưởng ổn định, bền vững. Chương trình IPCAS hiện đại hóa hệ thống kế toán giao dịch với khách hàng tạo nên tiện ích vượt trội trong giao dịch thanh toán với khách hàng, phục vụ công tác thống kê. Agribank Gia Lai cũng là ngân hàng đi đầu tăng cường cơ sở vật chất gắn với trang bị công nghệ hiện đại và hiện đã lắp đặt 42 máy ATM, 310 máy POS/EDC (điểm chấp nhận thanh toán thẻ). Trụ sở làm việc tại các đơn vị trực thuộc hầu hết được xây dựng mới và tiếp tục được cải tạo, nâng cấp. Trình độ, cường độ, năng suất lao động của cán bộ, viên chức được nâng lên.

 

THÀNH TÍCH NỔI BẬT CỦA AGRIBANK GIA LAI

+ Huân chương Lao động hạng ba năm 2006, năm 2013.
+ Cờ thi đua của Chính phủ về đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua các chi nhánh Agribank khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2012.
+ Cờ thi đua của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nguyên năm 2012, năm 2015.
+ Cờ thi đua của UBND tỉnh Gia Lai về thành tích đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015.
+ Cờ thi đua của UBND tỉnh Gia Lai về phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2013.
+ Đảng bộ cơ sở được Tỉnh ủy Gia Lai 2 lần tặng Cờ tổ chức cơ sở Đảng “Trong sạch vững mạnh tiêu biểu” 5 năm giai đoạn 2004-2008, 2011- 2015.

Agribank Gia Lai được các cấp, các ngành đánh giá là ngân hàng đi đầu thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Bằng chứng là dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đến ngày 30-9-2016 chiếm 91% tổng dư nợ. Nguồn vốn phủ rộng, đều khắp và kịp thời góp phần khai thác tiềm năng lợi thế, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, diện tích lớn, làm ra nhiều sản phẩm, của cải xã hội, giải quyết nhiều việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi... Các sản phẩm và tiện tích của Agribank Gia Lai như phát hành thẻ, ATM, Mobile Banking, liên kết bán chéo, giao dịch tài khoản khách hàng qua kết nối trực tuyến (CMS), Internet Banking, chi trả lương qua tài khoản ngân hàng, thanh toán hóa đơn mua bán hàng… cũng có bước tiến lớn, tích cực thực hiện chính sách tiền tệ của Chính phủ và ngành ngân hàng.

Kinh doanh không tách rời trách nhiệm với cộng đồng, Agribank Gia Lai còn được biết đến là ngân hàng đi đầu trong công tác an sinh xã hội đóng góp 20,65 tỷ đồng xây nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, tặng học bổng, xây dựng trường học, xây dựng Tượng đài chiến thắng, tặng xe cứu thương... Đảng bộ cơ sở Agribank Gia Lai, Công đoàn, Đoàn Thanh niên phát huy vai trò, vị trí, có nhiều đổi mới trong nội dung, phương thức hoạt động, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của đơn vị.  

Thành quả đạt được chỉ ra rằng, lãnh đạo CN đã biết phát huy trí tuệ tập thể, đoàn kết vì mục tiêu chung. Công tác chỉ đạo điều hành và triển khai các giải pháp kinh doanh hiệu quả khi tập trung nguồn lực đầu tư cho cơ sở. Trong giải pháp kinh doanh, CN thực hiện tốt chính sách khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh, triển khai kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, ký kết hợp tác với các doanh nghiệp lớn, phát huy văn hóa doanh nghiệp, đổi mới toàn diện công tác quản trị điều hành. Trọng tâm là xây dựng, cải tiến và hoàn thiện cơ chế quản lý, phân công phân nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân, ban hành cơ chế khoán và khen thưởng, phát huy sáng kiến cải tiến nghiệp vụ kích thích phong trào thi đua thực hiện chỉ tiêu kinh doanh. Chăm lo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng việc đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng lao động, đào tạo, bố trí, luân chuyển, quy hoạch, đặc biệt là cán bộ chủ chốt chủ động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong xu thế cạnh tranh và hội nhập.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.