Thăm trang trại chăn nuôi của cử nhân đại học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù chỉ mới thành lập được gần 2 năm nhưng trang trại chăn nuôi kết hợp của cựu sinh viên Đại học Kinh tế TP. HCM-Huỳnh Châu Thành (tổ dân phố 5, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa) bước đầu cho thấy kết quả rất khả quan. Đây là một trong những hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình của phường Cheo Reo nói riêng và thị xã Ayun Pa nói chung, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội ngày một phát triển.

Dám nghĩ, dám làm, năm 2015 anh Huỳnh Châu Thành đã quyết định từ bỏ công việc khá ổn định ở Đội Công trình đô thị huyện Ia Pa gắn bó với anh gần 10 năm sau khi ra trường để rẽ sang một hướng đi phát triển kinh tế hoàn toàn mới. Từ nguồn vốn tự có, đóng góp của anh em và vay từ ngân hàng, anh Thành đã mạnh dạn đầu tư 1,8 tỷ đồng để mở trang trại chăn nuôi nuôi bò, dê Bách Thảo kết hợp trồng cỏ với quy mô khoảng 2 ha.

 

Anh Huỳnh Châu Thành đang cho dê ăn. Ảnh: Q.T
Anh Huỳnh Châu Thành đang cho dê ăn. Ảnh: Q.T

Nhờ chủ động nắm bắt các kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh từ mạng internet, bạn bè, đặc biệt là học hỏi kinh nghiệm nuôi dê từ bố nên đàn 20 con bò và 70 con dê giống ban đầu của anh sinh trưởng và phát triển rất tốt, ít xảy ra dịch bệnh. Sau gần 2 năm đàn dê của anh Thành tăng trưởng khá nhanh, đến nay đã tăng lên 120 con, còn đàn bò dù phát triển chậm hơn nhưng cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với trồng lúa. Sau hơn một năm nuôi, thì đàn dê của anh Thành có thể xuất bán dê phẩm, bình quân mỗi tháng anh xuất ra thị trường thị xã khoảng 10 con, với giá bán hiện nay khoảng 120 ngàn đồng/kg, mỗi con thu được từ 2 đến 3 triệu đồng, tùy theo trọng lượng.

Anh Thành chia sẻ: “Dê nếu biết cách nuôi, chăm sóc, tiêm phòng định kỳ, nhất là cung cấp thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng (cỏ xay đem trộn tỷ lệ với bột bắp và sắn) thì dê phát triển rất nhanh, trung bình nuôi khoảng 6 đến 7 tháng thì có thể xuất chuồng. Nguồn thức ăn cho bò, dê cũng khá dồi dào với 1 ha trồng cỏ được tôi gắn hệ thống bét tưới tự động vừa tiết kiệm công mà cỏ lại phát triển nhanh, có khả năng cung cấp cho bò, dê trong những tháng nắng hạn nhất. Thị trường tiêu thụ thì khá dồi dào, nhất là nhu cầu tiêu thụ thịt dê rất lớn, hiện tại tôi chỉ mới cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn thị xã nhưng cũng không đáp ứng đủ nhu cầu”.

 

Trang trại nuôi dê, bò kết hợp trồng cỏ được anh thành đầu tư khá công phu. Ảnh: Q.T
Trang trại nuôi dê, bò kết hợp trồng cỏ được anh thành đầu tư khá công phu. Ảnh: Q.T

Dù mới đang trong giai đoạn kiến thiết nhưng những thành công ban đầu của trang trại chăn nuôi bò, dê kết hợp trồng cỏ của anh Thành sẽ là động lực để anh tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô trong thời gian tới. “Do thị trường tiêu thụ dê hiện nay khá lớn nên sắp tới tôi sẽ đầu tư mở rộng quy mô nuôi dê lên 500 đến 600 con và sẽ chuyển dần sang nuôi giống dê Boer (dê Thái) thay cho dê Bách Thảo hiện nay. Bởi dê Boer có thân hình to, khỏe, có sức đề kháng tốt hơn, có thể kháng một số loại bệnh, ăn khỏe, tăng trọng nhanh…; trọng lượng bình quân một con dê đực đạt từ 150 đến 160 kg, dê cái đạt từ 70 đến 80 kg”-anh Thành phấn khởi nói.

Ông Lê Văn Hòa-Bí thư Đảng ủy phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa cho biết: “So với việc trồng cây bắp, cây lúa, sắn thì mô hình chăn nuôi dê, bò kết hợp trồng cỏ mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn rất nhiều, nếu được tạo điều kiện để phát triển thì đây sẽ là hướng đi mới góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển. Thời gian tới, phường sẽ tạo mọi điều kiện cho nhân dân phát triển mô hình chăn nuôi bò, heo, dê… nhất là tạo điều kiện cho các hộ dân có nhu cầu về mặt chính sách, vốn... Cụ thể, phường sẽ làm việc với thị xã, các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng chính sách quan tâm, hỗ trợ cho các hộ dân có nhu cầu chuyển đổi tiếp cận nguồn vôn vay lãi suất thấp để đầu tư phát triển”.

Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.