Quản lý hoạt động kinh doanh vàng: Lỏng lẻo?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thị trường vàng từng bước được chấn chỉnh sau Nghị định 24 của Chính phủ và Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ, tuy nhiên trên thực tế muốn có chuyển biến trong thực thi pháp luật rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa từ phía các ngành chức năng…

Vàng miếng-cấm nhưng vẫn bán!     

Thói quen tiêu dùng của người dân là tiện đâu mua đó, cũng bởi nhu cầu không lớn nên việc đến ngân hàng-nơi được phép giao dịch mua bán vàng miếng để mua đã khiến không ít người ngần ngại. Điều này dẫn đến một nghịch lý đang tồn tại trong kinh doanh vàng, đó là những nơi được phép mua-bán vàng miếng lại khá trầm lắng với giao dịch không lớn.

 

Người dân giao dịch tại một trung tâm kinh doang vàng.
Người dân giao dịch tại một trung tâm kinh doang vàng.

Lý giải điều này, nhiều người dân cho rằng, giá ở các ngân hàng luôn cao hơn giá thị trường bên ngoài, một số ngân hàng yêu cầu phải báo trước số lượng nếu mua nhiều (từ 5 lượng trở lên), giao dịch mua bán cần có chứng minh nhân dân hoặc phải cung cấp số chứng minh nhân dân, hoặc có điểm luôn trong tình trạng thiếu hàng, có điểm tạm ngừng giao dịch, trong khi các tiệm vàng ở ngoài luôn khẳng định mua số lượng nhiều vẫn đáp ứng được…

Ở Gia Lai chưa có một doanh nghiệp vàng nào được cấp phép mua bán vàng miếng, ngoại trừ 9 điểm giao dịch của các ngân hàng, gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á, Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam-Chi nhánh Pleiku, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín-Chi nhánh Gia Lai, Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu-Chi nhánh Gia Lai, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Chi nhánh Gia Lai, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng-Chi nhánh Gia Lai, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT-Chi nhánh Gia Lai.

Ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai cũng nêu thực trạng đang tồn tại trong công tác quản lý là đơn vị chỉ được kiểm tra một số giấy tờ liên quan đến chức năng quản lý của ngành, còn để phát hiện ra điểm bán đó có kinh doanh vàng miếng hay không thì rất khó, phải có chứng cứ cụ thể, phải bắt quả tang diễn ra giao dịch và việc khám xét nơi mua bán thì ngân hàng không có chức năng đó.

Kiểm soát sản xuất, kinh doanh vàng trang sức không xuể

Theo ông Nguyễn Đăng Hòa-Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai, trong quy định quản lý lĩnh vực này, cơ sở bắt buộc phải sử dụng cân kỹ thuật, tùy thực tế kinh doanh mà trang bị cho phù hợp. Sử dụng cân phải có dấu kiểm định, tem kiểm định, mỗi năm phải kiểm định lại một lần. Doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải thực hiện đóng mã ký hiệu và hàm lượng vàng (tuổi vàng) trên sản phẩm, công bố tiêu chuẩn áp dụng, khối lượng của sản phẩm và chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm bán ra thị trường. Trường hợp sản phẩm quá nhỏ, không đủ để ghi thông tin hiển thị trên sản phẩm thì phải có tài liệu đính kèm.

 

Hiện trên địa bàn có gần 100 cơ sở sản xuất và kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ. Thực hiện Nghị định về quản lý kinh doanh vàng, từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn thủ tục, hồ sơ, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cho 56 doanh nghiệp trên địa bàn (năm 2012 cấp 10; năm 2013 cấp 39; năm 2014 cấp 7, thu hồi 2; năm 2015 cấp 2).

Trên thực tế, cũng đã có không ít trường hợp khách hàng mua phải những sản phẩm này, sau một thời gian đem bán lại thì phía người bán ép giá với đủ lý do, nào là trên sản phẩm không hiển thị ký hiệu nên từ chối xuất xứ, rồi vàng qua thời gian bị hao mòn nên giảm trọng lượng, trừ tiền công… nói chung là các kiểu trừ, rốt cuộc thiệt thòi người tiêu dùng phải lãnh đủ.  

Ông Hòa cũng cho biết thêm, qua các đợt kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng trước đây, vi phạm chủ yếu liên quan đến đo lường là chính, cơ sở sử dụng cân hết hạn kiểm định, sử dụng cân chưa đúng quy định dẫn đến độ sai số không chính xác; chưa chứng minh được nguồn gốc xuất xứ vàng nguyên liệu để chế tác trang sức; chưa công bố chất lượng sản phẩm… Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Công văn số 1152/BKHCN-Ttra đề nghị phối hợp chỉ đạo triển khai thanh tra chuyên đề năm 2016 với nội dung thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường trong kinh doanh vàng; về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. Hiện tại, các ngành liên quan gồm Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Quản lý Thị trường, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch và đang chờ UBND tỉnh ra quyết định triển khai. Dự kiến thời gian diễn ra trong vòng 3 tháng (từ tháng 7 đến tháng 9-2016) với khoảng 2/3 số cơ sở hoạt động kinh doanh vàng trên địa bàn sẽ được thanh tra.

Đợt thanh tra chuyên đề trên diện rộng này nhằm kịp thời phát hiện, phòng ngừa và xử lý các hành vi vi phạm; qua đó khẳng định vai trò kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước về đo lường trong kinh doanh vàng; góp phần tạo chuyển biến về nhận thức của người sản xuất kinh doanh trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, cũng như bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.   

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.