Giá cao su khởi sắc: Chỉ là hy vọng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau nhiều năm liên tiếp rớt giá thảm hại, đến khoảng giữa tháng 5-2016 giá mủ cao su trên thị trường đã tăng lên khoảng 33-35 triệu đồng/tấn, báo hiệu thị trường cao su bắt đầu ấm lại. Tuy nhiên, đây là “niềm vui ngắn chẳng tày gang”.

   Giá cao su liên tục biến động trong thời gian qua. Ảnh nguồn: tapchicaosu.vn
Giá cao su liên tục biến động trong thời gian qua. Ảnh nguồn: tapchicaosu.vn

Nói vậy là bởi thị trường giá cao su thành phẩm sơ chế tại Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung không ổn định khi chỉ tăng trong vài ngày lại rớt giá một cách khó đoán. Như, mủ SVR3L là loại cao su rất phổ biến trong cao su sơ chế, thích hợp cho các loại sản phẩm đòi hỏi tính đàn hồi, chịu mài mòn và độ bền cao, chỉ trong vòng 1 tuần giá bán đã không ngừng biến động, từ 32.300 đồng/kg giảm xuống còn 30.400 đồng/kg, sau đó lại tăng lên 33.400 đồng/kg. Giá mủ cao su SVR10 là loại cao su sản xuất từ mủ đông, mủ tạp từ 30.700 đồng/kg giảm còn 28.800 đồng/kg và tăng trở lại 29.300 đồng/kg.

Nói về vấn đề này, Thượng tá Lê Đình Hùng-Giám đốc Công ty 715 (Binh đoàn 15) cho biết: “Thời điểm giá cao su tăng cao nhất là 35,5 triệu đồng/tấn, nhưng chỉ tăng trong vòng 2 ngày, nhiều doanh nghiệp còn chưa kịp bán. Ở thời điểm giá cao su tăng, Công ty cũng chỉ bán được vài trăm tấn, số lượng không đáng kể. Hiện giá đã giảm còn khoảng 27 triệu đồng/tấn và cả tháng nay cũng không tăng lại. Chúng tôi giờ chỉ biết hy vọng thời gian tới thị trường cao su lại tăng, nhưng có lẽ sẽ không tăng nhiều, lúc trước còn hy vọng tăng lên 40 triệu đồng/tấn chứ bây giờ muốn tăng lên 30 triệu đồng/tấn cũng khó”. Được biết, hiện Công ty đang quản lý gần 3.200 ha cao su, năng suất khoảng 2,14 tấn/ha năm.

Cũng chung “hoàn cảnh”, ông Lê Đình Bửu-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang nhận định: “Cũng phải lạc quan tin tưởng là giá sẽ tăng, chứ hiện giá đang ở mức thấp lắm. Thời điểm giá tăng cao nhất lại là lúc hầu hết các công ty chưa thu hoạch mủ nên không có hàng để bán. Tôi kỳ vọng sắp tới giá mủ cao su sẽ tăng lên khoảng 30 triệu đồng/tấn là tốt rồi”.

Theo một số chuyên gia trong ngành xuất khẩu cao su, sở dĩ diễn biến thị trường cao su có sự biến động về giá do nhiều nguyên nhân, như các quốc gia sản xuất cao su lớn trên thế giới đã có những chính sách kìm hãm sản lượng, thực hiện liên kết, quản lý nguồn cung cân đối phù hợp với nhu cầu thị trường để đảm bảo lợi nhuận cho nông dân và các tác nhân khác trong ngành cao su, ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Trung Quốc đang dần phục hồi sẽ có tác động tích cực đến nhu cầu tiêu thụ cao su trên thế giới. Một nguyên nhân nữa là do lượng tồn kho cao su thế giới đã giảm đáng kể. Việc cắt giảm lượng cao su xuất khẩu của Thái Lan, Indonesia, Malaysia cộng với giá dầu mỏ tăng trên 50 USD/thùng cũng đã đẩy giá cao su tăng. Nhưng hiện giá dầu mỏ lại giảm hiện ở mức 46 USD/thùng, đó là một trong những nguyên nhân khiến giá cao su vừa tăng được chút ít đã lại hạ xuống.

Sau những thời điểm giá mủ cao su lên xuống thất thường, theo dự báo, từ nay đến cuối năm 2016, nông dân và doanh nghiệp trồng cao su vẫn phải tiếp tục bài toán “thắt lưng, buộc bụng” để cầm cự “chờ thời, chờ giá”. Bên cạnh đó, nông dân và doanh nghiệp trồng cao su cũng có thể hy vọng nhu cầu tiêu thụ cao su trong nước tăng nhẹ khi các nhà máy săm lốp như DRC (Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng), CSM (Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam)… dự kiến nâng công suất lên 200.000 lốp/năm. Đồng thời, Việt Nam đã tìm được thị trường xuất khẩu cao su tới 200.000 tấn/năm sang Nhật Bản.

Trước bối cảnh đó, các doanh nghiệp ngành cao su xác định tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, không chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc-là thị trường còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và nhất là chú trọng khai thác tiềm năng thị trường nội địa. Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông thì xác định vừa duy trì sản phẩm truyền thống vừa gia tăng sản lượng mủ SRV-vốn được các thị trường khó tính như: Nhật Bản, châu Âu ưa chuộng. Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah tiếp tục thực hiện chủ trương cắt giảm các khoản chi phí không cần thiết, tiết kiệm chi phí sản xuất, không vay vốn ngắn hạn để hạ giá thành sản phẩm. Ngoài việc duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống là Malaysia, Ấn Độ, Đài Loan, Trung Quốc, Công ty đã có những bước đi cần thiết để thay đổi cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu đa dạng của khách hàng, tìm kiếm mở rộng thị trường sang Afganistan, Nhật Bản. Theo đó, Công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy mới với tổng chi phí 57,16 tỷ đồng, đầu tư 11,8 tỷ đồng hoàn thành hệ thống xử lý nước thải.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Chư Păh thu ngân sách đạt hơn 56,7 tỷ đồng

Chư Păh thu ngân sách đạt hơn 56,7 tỷ đồng

(GLO)- Ngày 11-4, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị lần thứ 16 (mở rộng) nhằm đánh giá kết tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý I và triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm quý II năm 2024.