Cây thoát nghèo ở Mang Yang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2016, huyện Mang Yang có 38 tiểu dự án sinh kế, trong đó có 9 tiểu dự án trồng gừng (vốn đầu tư khoảng 1,9 tỷ đồng với 180 hộ hưởng lợi) được triển khai tại 9 làng của 3 xã: Lơ Pang, Kon Thụp và Đê Ar. Ông Mai Văn Luyện-Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây nguyên huyện Mang Yang, cho biết: Hiện nay, những hộ tham gia 9 tiểu dự án này đã xuống giống xong và cây đang phát triển xanh tốt.  

Ở xã Kon Thụp, Đak Pơ Nan là làng có số hộ dân thấp nhất (71 hộ) và số hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ cao (66,2%). Vì thiếu vốn, thiếu kỹ thuật nên người dân nơi đây vẫn canh tác theo phương pháp truyền thống, năng suất cây trồng không cao. Do vậy, khi hay tin tiểu dự án trồng gừng được triển khai tại làng, ai cũng phấn khởi, nhất là số hộ nghèo, cận nghèo được chọn tham gia. Anh Mưn-Trưởng nhóm LEG trồng gừng làng Đak Pơ Nan, phấn khởi: Tham gia tiểu dự án trồng gừng, bà con không chỉ được biết thêm một loại cây trồng mới mà còn tiếp cận với kỹ thuật trồng trọt tiên tiến. Hy vọng, cây gừng sẽ góp phần giúp người dân thoát nghèo.

 

Nhóm cải thiện sinh kế làng Đak Hlă chăm sóc gừng. Ảnh. P.D
Nhóm cải thiện sinh kế làng Đak Hlă chăm sóc gừng. Ảnh. P.D

Tại cánh đồng làng Đak Hlă (xã Lơ Pang), 20 hộ dân tham gia tiểu dự án cũng đang miệt mài với việc lên luống, vun gốc cho những cây gừng hơn 1 tháng tuổi. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người khi nhìn những cây gừng phát triển xanh tốt. Ông T’rơng-già làng Đak Hlă, vui vẻ nói: “Bà con trong làng quanh năm làm lụng mà vẫn không thoát khỏi cái nghèo. Nay dự án giảm nghèo đưa cây gừng về tận làng để giúp bà con, mình cảm ơn lắm! Có dự án giúp sức, chắc chắn trong thời gian không xa nữa, kinh tế của bà con trong làng sẽ khá hơn và số hộ nghèo cũng sẽ giảm”. Điều đặc biệt, khi tiểu dự án trồng gừng được triển khai ở các làng, không chỉ các hộ tham gia nhóm được tiếp cận với khoa học kỹ thuật mà nhiều người dân cũng đến học hỏi và mạnh dạn áp dụng vào diện tích đất của gia đình.  

Anh Hmưng-thành viên nhóm LEG làng Đak Hla, bộc bạch: “Năm trước, nhà mình cũng có trồng 1 sào gừng nhưng chỉ “nghĩ sao làm vậy” nên năng suất chưa đạt yêu cầu. Năm nay, mình tiếp tục trồng nhưng áp dụng những kiến thức đã được tập huấn, hy vọng năng suất sẽ cao hơn”.

Theo cán bộ hướng dẫn viên cộng đồng (CF) xã Lơ Pang-Phạm Thị Hiếu, thì trồng gừng không khó nhưng để đảm bảo cây phát triển đều, năng suất cao thì bà con cần tuân thủ quy trình kỹ thuật, từ cách làm đất, lên luống, lấp đất, rồi đặt gừng…  “Trước đây một số hộ dân cũng đã trồng gừng nhưng chưa áp dụng các kỹ thuật trong quá trình trồng, chăm sóc. Vì vậy, khi triển khai tiểu dự án, chúng tôi áp dụng phương pháp tập huấn ngay tại hiện trường, “cầm tay chỉ việc” để bà con dễ nắm bắt và áp dụng”-chị Phạm Thị Hiếu chia sẻ. Chỉ tay về những luống gừng đang phát triển xanh tốt, chị Hiếu nói tiếp: Đối với mỗi tiểu dự án trồng gừng, dự án giảm nghèo sẽ hỗ trợ 500 kg NPK, 400 bao trấu, 8 tấn vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật tùy theo tình hình dịch bệnh trên cây trồng… Nếu trồng, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, ước tính sau 9 tháng, 1 ha gừng sẽ cho thu hoạch 25-30 tấn. Với giá công ty đã cam kết (thấp nhất 12.000 đồng/kg), sau khi thu hoạch, mỗi ha gừng nhóm LEG sẽ thu về 280-300 triệu đồng. Trừ khoản đầu tư ban đầu 136 triệu đồng, bình quân mỗi hộ hưởng lợi từ nhóm LEG sẽ lời 8-10 triệu đồng.

Sau một thời gian triển khai, tỷ lệ mọc mầm của các cây gừng đạt 100% và đang phát triển xanh tốt. Để giúp bà con yên tâm sản xuất, Ban Phát triển xã Lơ Pang đã cam kết với đơn vị cung ứng giống về việc bao tiêu sản phẩm với mức giá ổn định. Bà Đinh Thị Lan-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, kiêm Phó ban Phát triển xã Lơ Pang, chia sẻ: Hiệu quả từ tiểu dự án trồng gừng sẽ giúp bà con trong làng có thêm “cần câu” để vươn lên thoát nghèo.

…Có thể thấy, so với một số cây trồng khác, cây gừng khá phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của huyện Mang Yang. Và theo đánh giá ban đầu của Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện, cây gừng là cây trồng ngắn ngày nhưng lại cho hiệu quả cao hơn nhiều loại cây trồng khác. Hy vọng, sau một thời gian nữa cây gừng cho thu hoạch sẽ giúp người dân hưởng lợi nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.