Vốn đầu tư cho doanh nghiệp khó nới lỏng điều kiện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Các chương trình tín dụng khuyến khích doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh, đã giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn, có điều kiện tái cấu trúc tài chính. Tuy nhiên, đa phần doanh nghiệp đều cho rằng, tiếp cận vốn vay ngân hàng đã khó, được vay lãi suất thấp từ các gói tín dụng ưu đãi lại càng khó hơn...

Không chặt chẽ dễ rủi ro

Hiện nay, nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế dồi dào, mặt bằng lãi suất tương đối thấp nhưng khả năng hấp thụ vốn chưa tốt. Nguyên nhân được phía ngân hàng (NH) xác định là do sự biến động giá cả các mặt hàng nông sản dẫn đến hoạt động của doanh nghiệp (DN) trầm lắng, trong khi đây là thế mạnh của địa phương. Cùng với đó, hoạt động sản xuất ở các khu công nghiệp của tỉnh chưa có sự bứt phá mạnh mẽ, chưa hình thành các ngành sản xuất trọng điểm. Và trong khi NH khẳng định nguồn vốn dồi dào thì không ít DN kêu khó tiếp cận. Như vậy, dù đã tháo gỡ vướng mắc trong quan hệ vay vốn giữa NH-DN nhưng kết quả chưa như mong đợi, mà vướng nhất là điều kiện tài sản đảm bảo tiền vay.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Đã là kinh doanh thì NH nào cũng muốn tăng trưởng, nhưng liều lĩnh nới lỏng điều kiện để tìm kiếm khách hàng thì rủi ro mất vốn sẽ càng lớn. Để đồng hành tháo gỡ khó khăn cho DN, NH đã hỗ trợ về giá vốn qua việc hạ lãi suất ở mức thấp nhất có thể cho những DN nhỏ và siêu nhỏ dễ dàng tiếp cận”-ông Lý Anh Đào-Giám đốc Chi nhánh SHB Gia Lai cho biết.

Ông Đào cũng như lãnh đạo các NH đều có chung nhận định, tài sản thế chấp là bất động sản, máy móc, phương tiện sẽ chắc ăn hơn là thế chấp bằng kho hàng. Ngân hàng không thể mạo hiểm khi hoạt động lưu thông hàng hóa của DN kinh doanh nông sản ảm đạm từ đầu năm đến nay. Hàng tồn kho nếu bảo quản không tốt sẽ bị giảm chất lượng, hoặc nguy cơ thất thoát nếu kiểm soát không chặt. Đó là chưa kể trường hợp DN thế chấp cho nhiều NH cùng một kho hàng, rồi rủi ro về hỏa hoạn cũng gây thiệt hại lớn mà thực tế đã xảy ra trên địa bàn thời gian qua.

 

Đến cuối tháng 5-2016, các NH thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất các khoản cho vay cũ cho 1.726 DN với dư nợ được điều chỉnh là 12.545 tỷ đồng. Đồng thời, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho DN. Triển khai tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường thông qua chương trình kết nối NH-DN, các NH thương mại đã cho vay với doanh số lũy kế từ đầu chương trình là 30.390 tỷ đồng, doanh số thu nợ lũy kế là 14.662 tỷ đồng; dư nợ đến cuối quý I là 18.792 tỷ đồng.

Cần tiếng nói chung

Ông Nguyễn Tuấn-Tổng Thư ký Hiệp hội DN tỉnh Gia Lai cho biết: Ngành NH nỗ lực rất lớn để đầu tư vốn cho DN. Nhưng theo khảo sát của Hiệp hội DN tỉnh và phản ánh của DN liên quan đến vấn đề vốn vay, mà chủ yếu là ở mức vay thì DN chỉ được vay theo định giá tài sản thế chấp. Ngoài thế chấp tài sản, vay tín chấp vẫn được NH thực hiện, nhưng “rơi” vào số ít DN có quan hệ truyền thống. Nếu chỉ dựa trên tài sản thế chấp thì mức cung ứng vốn sẽ hạn chế, DN khó có điều kiện vực dậy và phát triển. Điều kiện được NH Phát triển bảo lãnh cũng rất khó khăn, số được bảo lãnh rất ít so với nhu cầu thực tế.

“Trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, hiệu suất sinh lời thấp, do đó DN rất cần sự linh hoạt trong điều kiện cho vay, có thể dựa trên kết quả đánh giá từ nhiều kênh thông tin. Nhiều DN có giá trị tài sản thế chấp thấp nhưng trong quá trình làm ăn lại được đối tác đánh giá rất cao về mức độ uy tín, sản xuất kinh doanh hiệu quả, đóng góp cho ngân sách nhà nước. Vậy thì NH nên linh động, thực sự đồng hành cùng DN”-ông Tuấn đánh giá.

Trước áp lực cạnh tranh, NH nào cũng đang ra sức tìm kiếm khách hàng, đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất 6%-7%/năm. Tuy nhiên, đa số DN đang trong giai đoạn duy trì và ổn định sản xuất-kinh doanh, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động là chính, chứ hiệu quả hoạt động chưa lớn, nên việc triển khai các gói tín dụng chưa đến được DN. Về vấn đề này, lãnh đạo NH Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các NH thương mại xem xét, không phân biệt quy mô DN lớn hay nhỏ, nếu có điều kiện vực dậy, có khả năng phát triển tốt thì phải đầu tư tín dụng, không để xảy ra tình trạng thiếu vốn hoạt động.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.