Tiếng nói của hiệp hội doanh nghiệp vẫn bị xem nhẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội doanh nghiệp (DN), hội ngành nghề trong việc tham gia góp ý vào các thể chế cũng như tham gia vào việc liên kết và hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay.

Thời gian qua, Hiệp hội DN tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Câu lạc bộ nữ DN tỉnh (gọi chung là các tổ chức hội DN) và các hiệp hội ngành nghề trên địa bàn đã có nhiều đóng góp trong việc tham gia giải quyết những vướng mắc phát sinh, góp phần hỗ trợ cộng đồng DN vượt qua khó khăn, ổn định và mở rộng sản xuất kinh doanh. Các tổ chức hội DN đã tích cực phát huy vai trò làm cầu nối giữa DN với các cơ quan quản lý nhà nước trên cơ sở thường xuyên trao đổi, lắng nghe, chia sẻ và cung cấp thông tin, để DN có thể bày tỏ quan điểm, tâm tư, nguyện vọng và tìm được tiếng nói chung. Nhờ đó, nhiều vướng mắc của DN về chính sách đất đai, thuế, hải quan, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh đã được các cấp chính quyền tiếp thu, quan tâm xem xét và từng bước giải quyết. Hiệp hội DN tỉnh đã làm việc với ngành ngân hàng để cùng xem xét tìm biện pháp tháo gỡ những vấn đề liên quan đến tài sản thế chấp, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, tiếp cận được các gói cho vay ưu đãi, giúp DN có cơ hội tái cấu trúc tài chính.

 

Cơ xưởng sản xuất điều của Công ty Olam. Ảnh: Hà Duy
Cơ xưởng sản xuất điều của Công ty Olam. Ảnh: Hà Duy

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều DN, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội DN trên địa bàn tỉnh chưa cao, chưa chủ động làm đầu mối giúp DN tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu hàng hóa nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Cũng có ý kiến cho rằng, phía cơ quan quản lý nhà nước chưa đề cao vai trò của các tổ chức hội DN. Vai trò và tiếng nói của hiệp hội hiện vẫn bị xem nhẹ.

Chỉ số năng lực cạnh tranh của Gia Lai năm 2015 chỉ có 38,89% số DN được khảo sát cho rằng vai trò của các hiệp hội DN địa phương là quan trọng, trong khi tỷ lệ này năm 2014 là 45,45%. Điều đó chứng tỏ sự tin tưởng của cộng đồng DN đối với vai trò của các hiệp hội DN địa phương trong việc xây dựng và phản biện chính sách, quy định của tỉnh đã sụt giảm. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Sen-Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho biết: Một số văn bản góp ý với Trung ương về các luật liên quan đến DN, các chính sách của tỉnh, hầu hết các sở, ngành không mời Hiệp hội DN tham gia xây dựng và phản biện.

Đồng quan điểm về việc đề cao vai trò của tổ chức hội DN, bà Đặng Thị Mỹ Dung-Chủ nhiệm Câu lạc bộ nữ DN tỉnh cho rằng, tổ chức hội DN là cầu nối quan trọng. Do vậy, để hỗ trợ cho các tổ chức này hoạt động hiệu quả hơn nữa thì cần có sự tham gia của lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư vào Ban Thường vụ của Hiệp hội DN tỉnh; đồng thời thường xuyên tổ chức các buổi tiếp xúc giữa DN và các cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết vướng mắc phát sinh. “Mới đây, 3 tổ chức hội DN gồm Hiệp hội DN tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Câu lạc bộ nữ DN tỉnh cùng với các sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh đã cùng ngồi lại để bàn bạc, đưa ra hướng giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến DN. Đây là việc làm rất cần thiết nhằm tạo thêm thuận lợi trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh”-bà Dung cho biết.

Theo ông Phan Thanh Thiên-Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, đứng trước nhiều khó khăn trong quá trình phát triển, muốn đi lên một cách bền vững khi hội nhập kinh tế thì phải có chiến lược như liên kết, hợp tác đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tiến máy móc kỹ thuật để đi đến mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm. Những DN trên địa bàn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ dễ bị tổn thương do kỹ năng lãnh đạo, điều hành của DN còn hạn chế. Do đó, cần thiết phải có sự liên kết những hiệp hội lại với nhau để đào tạo một số kỹ năng cho DN. Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để những DN nhỏ “định vị” được bản thân mình, để từ đó họ có thể phát triển lớn mạnh hơn.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.