Thịt tăng giá, cá đìu hiu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù lượng cá biển tiêu thụ trên địa bàn chủ yếu nhập từ Quy Nhơn, Phú Yên và Nha Trang-những nơi không có hiện tượng cá chết nhưng người tiêu dùng Gia Lai vẫn rất e ngại. Những sạp cá biển vắng hoe khách hoặc nghỉ bán trong khi hàng thịt lại sôi động là hình ảnh khá phổ biến ở các chợ hiện nay.

Thực đơn “vắng bóng” cá biển

Hơn 2 tuần nay, mâm cơm nhà chị Hạnh (đường Hùng Vương, TP. Pleiku) đã không còn món cá biển yêu thích như mọi khi, thay vào đó là thịt và các loại tôm, cá nước ngọt. “Nghe thông tin trên đài, báo, chưa biết thực hư thế nào nhưng gia đình sợ không dám ăn cá biển. Trước đây, đó là món khoái khẩu của mấy nhóc nhà mình, giờ phải đổi món khác, dỗ chúng ăn mệt lắm”-chị Hạnh cho biết. Cũng với tâm lý sợ cá biển, chị Dung (đường Lê Lợi, TP. Pleiku) than vãn: “Trước sợ cá nuôi ăn bột tăng trọng mình toàn ăn cá biển cho lành. Bây giờ lại sợ ăn phải cá biển nhiễm độc khiến mình đau đầu chẳng biết mua gì mỗi khi đi chợ; ăn thịt hoài cũng ngán mà thịt thì cũng toàn là tăng trọng rồi chất cấm”.

 

  E ngại cá biển, nhiều người dân lựa chọn thịt cho bữa ăn hàng ngày.    Ảnh: Lê Lan
E ngại cá biển, nhiều người dân lựa chọn thịt cho bữa ăn hàng ngày. Ảnh: Lê Lan

Tâm lý e ngại của người tiêu dùng đối với cá biển khiến nhiều tiểu thương kinh doanh mặt hàng này điêu đứng, nhiều sạp đã nghỉ bán hoặc có cũng chỉ lác đác vài món không còn rôm rả như trước. Chị Ty-tiểu thương kinh doanh cá biển tại chợ Nhỏ (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) cho biết: “Khách mua cá vắng quá nên mấy ngày nay chị nghỉ bán, để vài hôm xem tình hình thế nào rồi mới bán lại”. Trong khi đó, trên sạp hàng của chị Hiền-cũng là tiểu thương kinh doanh tại chợ Nhỏ thì chỉ còn mặt hàng tôm nước ngọt, các mặt hàng chính thường bán trước đây như ghẹ, mực đã “vắng bóng”. Theo chị Hiền, mặc dù ở chợ khách mua tôm, cá nước ngọt có tăng nhưng lượng bán của sạp không tăng do nhiều tiểu thương kinh doanh cá biển chuyển sang bán tôm, cá nước ngọt nên thị trường bị chia sẻ. Hiện giá tôm sống là 200.000 đồng/kg, tôm ướp đá loại nhỏ dao động từ 100.000 đồng đến 130.000 đồng/kg, cá lóc 75.000 đồng/kg, cá chép 80.000 đồng/kg, cá Diêu Hồng 70.000 đồng/kg…

Ngay cả một số quán ăn, nhà hàng trên địa bàn cũng chuyển các món ăn chế biến từ hải sản sang các món thịt và các đặc sản khác… “Hiện nhà hàng đã bổ sung vào thực đơn nhiều món chế biến từ thịt heo, thịt bò và thịt gà… đáp ứng nhu cầu của thực khách”-chủ nhà hàng Tường Vân trên đường Phạm Văn Đồng cho hay.

Thịt tăng giá

Cá biển bị “thất sủng”, thịt heo, thịt bò và trứng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn cho bữa ăn hàng ngày. Vì thế, không ít tiểu thương nhanh chóng lợi dụng cơ hội này để tăng giá. Theo khảo sát của chúng tôi, hiện giá thịt bò ở một số chợ đã tăng bình quân 10.000 đồng/kg, thậm chí có nơi tăng 20.000 đồng/kg. “Ngày thường thịt bò mình mua có 180.000 đồng/kg vậy mà hôm nay “hét” giá lên 200.000 đồng/kg, ức nhưng vẫn phải mua”-chị Trang (phường Yên Thế, TP. Pleiku) cho biết. Tương tự, giá thịt heo tăng bình quân 5.000-10.000 đồng/kg. Cụ thể, thịt heo đùi tăng từ 90.000 đồng/kg lên 95.000 đồng/kg, sườn non tăng từ 100.000 đồng lên 110.000 đồng/kg, ba chỉ tăng từ 80.000 đồng/kg lên 85.000 đồng/kg. Ngay cả giá trứng vịt những ngày qua cũng tăng lên 2.000 đồng/chục trứng (từ 25.000 đồng/chục lên 27.000 đồng/chục).

Lý giải nguyên nhân tăng giá, đa số các tiểu thương đều cho rằng: Khách không ăn cá biển chuyển sang ăn thịt, trứng dẫn đến nguồn hàng tăng đột biến, giá nhập các mặt hàng này cũng tăng theo. Trong khi đó, chị Thắng-chủ một cơ sở chuyên bỏ mối thịt heo ở TP. Pleiku lại cho rằng: “Thực tế giá thịt heo có tăng nhưng là tăng từ trước khi xảy ra vụ cá chết (tăng khoảng 6.000 đồng/kg). Hiện tại giá không tăng, còn các sạp bán lẻ tự tăng giá thì rất khó kiểm soát”. Bên cạnh đó, giá thịt gà, vịt vẫn giữ bình ổn, cụ thể gà ta 140.000 đồng/kg; gà Tam Hoàng 95.000-100.000 đồng/kg (loại làm thịt sẵn)…

Hiện nay, giá rau, củ trên địa bàn cũng có nhích lên chút xíu. Tuy nhiên, theo giải thích của các tiểu thương, do thời tiết nắng hạn, thiếu nước rau khó trồng nên giá thành cao. Hiện giá các loại bầu, bí là 12.000 đồng/kg; các loại rau mồng tơi, rau cải, rau ngót dao động 4.000-5.000 đồng/bó; rau khổ qua 10.000 đồng/bó… Ngoài ra, nước mắm, cá khô, mắm cá các loại cũng tăng lượng bán lên đáng kể do một số người tiêu dùng mua trữ vì e ngại sau này sẽ bị trộn lẫn cá kém chất lượng…

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.