Rầu rĩ nhìn cá ế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thông tin về việc cá xuất bán ra thị trường được kiểm soát chất lượng và nguồn gốc đã phần nào trấn an tâm lý người tiêu dùng. Tuy vậy, tình hình mua bán vẫn trong tình cảnh ế ẩm.

Giá thấp không kéo nổi khách mua


Lâu nay, những điểm bán hàng ở đường Lê Lai, Nguyễn Đình Chiểu, chợ Phù Đổng (TP. Pleiku) nổi tiếng là nơi bán cá tươi ngon về chiều với đủ loại từ bình dân đến cao cấp. Thế nhưng, cảnh mua bán tấp nập không còn nữa kể từ vụ cá chết dọc vùng biển miền Trung. Người dân e dè hơn, nhiều nhà nói không với cá biển khiến tình hình ảm đạm thấy rõ.

 

  Các sạp hàng bán cá luôn trong tình trạng ế ẩm.
Các sạp hàng bán cá luôn trong tình trạng ế ẩm.

Đang loay hoay gói mấy khúc cá thu, cá bớp cất vào thùng xốp, chị Lâm-tiểu thương bán hải sản ở chợ Phù Đổng rầu rĩ nói: “Hàng bán chậm quá để ra ngoài trời nắng nóng thế này rất dễ ươn nên mình phải ướp đá liên tục. Hôm nay bán không hết thì khỏi mong ngày mai đông người mua. Có nhiều bữa hàng để qua ngày kém tươi ngon đành phải hạ giá ngang bằng với giá nhập. Việc bán cá thời điểm này chẳng lời lãi gì”. Chị Lâm cho biết thêm, từ sau kỳ nghỉ lễ đến nay, trung bình mỗi buổi chiều sạp của chị bán khoảng 20 kg cá. Mặc dù so với trước đó không là gì nhưng cũng cảm thấy mừng lắm rồi.

Chị Nhi-Chủ quầy bán hải sản ở ngã ba đường Nguyễn Du-Nguyễn Đình Chiểu cho hay: Mấy ngày qua, cá bán không hết. Do vậy, chị phải đưa hàng lên bán ở chợ Bà Định vào sáng hôm sau. Bình thường cá nhập lên chừng nào là bỏ mối và bán cho khách hết, đặc biệt là các loại cá ngon. Tuy nhiên, hiện nay nhà hàng cũng lấy cá dè dặt, trường mẫu giáo cũng lơ luôn.

Chợ sáng cũng không “ăn” nhau là mấy khi trung bình lượng cá bán ra giảm đến một nửa. Cảnh ế ẩm diễn ra từ ngay chợ đầu mối Trung tâm Thương mại Pleiku đến các chợ lớn nhỏ trên địa bàn. Bình thường mỗi ngày phải có đến cả chục xe cá liên tục giao hàng cho Trung tâm Thương mại Pleiku. Hiện nay, chỉ còn vài chiếc xe cá, còn lại chủ yếu là các loại hải sản khác. Sức tiêu thụ kém nên giá đầu vào giảm, cộng với việc các tiểu thương giảm bớt phần lãi nên cá mới rẻ. Theo đó, cá ngừ giảm còn 60 ngàn đồng/kg, cá liệt còn 100 ngàn đồng, cá hố chỉ còn 80 ngàn đồng/kg. Đặc biệt, cá nục giảm một nửa, hiện chỉ còn 25 ngàn đồng/kg; cá đổng 70 ngàn đồng/kg giảm còn 40 ngàn đồng/kg, cá bớp loại nhỏ giá 120 ngàn đồng nay giảm còn 70 ngàn đồng/kg… Hầu như loại cá nào cũng giảm giá mạnh, chỉ có cá thu và cá ngừ đại dương là giữ giá.

Cá sạch thâm nhập thị trường

Mặc dù đã đi vào hoạt động được vài tháng, nhưng gần đây nhà phân phối cá sạch (204 Cách Mạng Tháng Tám, TP. Pleiku) mới được nhiều người tiêu dùng biết đến. Theo chia sẻ của anh Trung-nhà phân phối hàng của Công ty TNHH Vua Biển, thương hiệu Vua Biển hiện đã có chỗ đứng trên thị trường cả trong và ngoài nước. Tại Gia Lai, Công ty đã có một lượng khách hàng ổn định, kể cả khách lẻ và nhiều nhà hàng lớn trên địa bàn. Mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ khoảng 30-40 kg cá sạch đông lạnh với các loại chính như: cá ngừ đại dương, cá cờ gòn, cá dũa, cá thu, cá hồi, cá bè cam…

“Vua Biển cam kết chất lượng sản phẩm đúng tiêu chuẩn cá sạch chất lượng quốc tế. Tất cả sản phẩm cá hoàn toàn không sử dụng chất bảo quản, chất phụ gia và được sản xuất từ nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, bằng dây chuyền máy móc hiện đại”-anh Trung cho biết.

Hiện nay, người dân đã chú trọng hơn đến vấn đề sức khỏe. Do đó, hàng cá đông lạnh ở các siêu thị cũng tiêu thụ nhanh hơn chứ không chậm chạp như trước. Nắm bắt được xu hướng tiêu dùng, nhiều cửa hàng mới mọc lên như cửa hàng Biển Xanh (trên đường Phạm Văn Đồng) cũng chuyên cung cấp sỉ và lẻ các loại hải sản tươi sống và cả hàng đông lạnh của những công ty uy tín. Sắp tới, nhà phân phối của Vua Biển tại Gia Lai sẽ tiếp tục mở thêm cửa hàng ở các khu đông dân cư để quảng bá hình ảnh cũng như tạo thuận lợi hơn cho khách hàng tiếp cận được sản phẩm cá sạch.

Vũ Thảo

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.