Phát triển hồ tiêu bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, tình trạng sâu bệnh gây hại và hạn hán khiến nhiều hộ trồng hồ tiêu rơi vào cảnh trắng tay. Trước thực tế này, huyện Chư Pưh đã mời các nhà khoa học của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu Hồ tiêu, các doanh nghiệp thu mua hồ tiêu và các hộ trồng tiêu… cùng ngồi lại thảo luận nhằm tìm ra những giải pháp thiết thực để phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững.

Hiện nay, huyện Chư Pưh có trên 2.800 ha hồ tiêu. Theo định hướng từ nay đến năm 2020, huyện sẽ tập trung đầu tư nâng cao năng suất và chất lượng của cây hồ tiêu với diện tích khoảng 3.300 ha. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh gây hại trên cây hồ tiêu diễn biến hết sức phức tạp, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm, thối rễ… gây nhiều thiệt hại cho người trồng tiêu. Đặc biệt, tình hình biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài cùng với những bất cập trong quy trình sản xuất chưa được nông dân khắc phục như không có cây che bóng, chắn gió, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, bón phân không cân đối, tưới nước không hợp lý và mối liên kết “4 nhà” trong sản xuất, tiêu thụ hồ tiêu còn thiếu sự gắn kết đã ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất và thu nhập của người trồng tiêu.

 

Thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Đức Thụy
Thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Đức Thụy

Xác định hồ tiêu là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương, những năm qua, huyện Chư Pưh đã có nhiều chính sách hỗ trợ người trồng hồ tiêu như mời các nhà khoa học và các công ty sinh học tổ chức các lớp tập huấn về phòng trừ sâu bệnh gây hại; ưu tiên chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật về canh tác hồ tiêu; định hướng người dân sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất hồ tiêu có chứng nhận… Đặc biệt, huyện đã xây dựng các mô hình thí điểm áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật như tưới nước tiết kiệm, sử dụng các chế phẩm sinh học để nâng cao năng suất hồ tiêu. Mới đây, UBND huyện đã mời các nhà khoa học của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu Hồ tiêu, các doanh nghiệp, nông dân và các chi nhánh ngân hàng… cùng ngồi lại trao đổi nhằm tìm ra những giải pháp để phát triển cây hồ tiêu bền vững. Đây được xem là giải pháp thiết thực góp phần nâng cao năng suất và chất lượng hồ tiêu trong thời gian tới.

Anh Nguyễn Văn Thường (thôn Hòa An, thị trấn Nhơn Hòa) cho biết: Qua học tập thấy nhiều nơi sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, năm 2012 tôi đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt trên diện tích 2.400 trụ tiêu của gia đình. Đến nay, hiệu quả kinh tế mang lại rất rõ rệt như: tiết kiệm được công lao động, cân bằng lượng nước tưới cho cây tiêu, tiết kiệm được một phần phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Trong cơn đại hạn vừa qua, nhờ hệ thống tưới này mà vườn tiêu của gia đình tôi luôn xanh tốt nhờ giữ được độ ẩm cần thiết.

Các doanh nghiệp thu mua cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ người trồng hồ tiêu, nhất là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Bà Trần Thị Mỹ Dung-Chủ doanh nghiệp tư nhân Dung Nam cho biết: Doanh nghiệp hoạt động thu mua hồ tiêu cho bà con nông dân từ năm 1997. Những năm trước đây, lượng tiêu thu mua rất nhiều vì năng suất hồ tiêu thời điểm đó cao và ít doanh nghiệp thu mua. Vài ba năm nay, trung bình mỗi năm doanh nghiệp thu mua được khoảng 2.000-3.000 tấn tiêu tại 2 huyện Chư Pưh và Chư Sê, sau đó xuất bán xô cho các đơn vị khác. Mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp trong thời gian tới là có sự phối hợp tốt nhất với người trồng hồ tiêu. Đặc biệt, huyện tổ chức các cuộc gặp gỡ trao đổi giữa nhà nông, nhà khoa học, Nhà nước và doanh nghiệp là việc làm rất thiết thực và hữu ích giúp các bên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và những vấn đề khác để đưa cây hồ tiêu phát triển theo hướng bền vững.

Ông Nguyễn Văn Khanh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Việc xây dựng các mô hình trồng hồ tiêu có sự liên kết “4 nhà” trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn huyện là một trong những ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, trong những năm tới, ngành Nông nghiệp và PTNT huyện tiếp tục tham mưu UBND huyện xây dựng liên kết “4 nhà” trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ hồ tiêu trên địa bàn; thành lập các tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất hồ tiêu bền vững gắn với các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu và Trung tâm Nghiên cứu Hồ tiêu. Huyện cũng sẽ quy hoạch vùng sản xuất hồ tiêu theo hướng cánh đồng mẫu lớn với quy mô 400-500 ha áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm hình thành các chuỗi liên kết sản xuất hồ tiêu bền vững.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.