Chuẩn bị mùa trồng mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi mùa mưa Tây Nguyên đến cũng là lúc các nhà vườn ươm cây giống hoạt động nhộn nhịp nhất. Ước tính hàng năm, các nhà vườn trên địa bàn tỉnh Gia Lai cung ứng ra thị trường hàng triệu cây giống các loại như: hồ tiêu, cao su, bời lời, cây ăn quả, cây lâm nghiệp... Nghề ươm cây giống đang cho thu nhập khá. Nhưng nghề ươm cây giống nở rộ dẫn đến việc quản lý chất lượng cây giống của các cơ sở đang là bài toán khó.

Nở rộ nghề ươm cây giống

Gần như địa phương nào cũng có vườn ươm cây giống, song có thể nói dọc quốc lộ 14 đoạn từ ngã tư Biển Hồ (TP. Pleiku) đến thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Pah) được mệnh danh là cung đường của vườn ươm cây giống. Các địa phương phía Tây của tỉnh thì vườn ươm cây giống chủ yếu là cà phê, hồ tiêu, cao su, bời lời, cây ăn trái thì các địa phương phía Đông và Đông Nam lại ươm chủ yếu là cây lâm nghiệp: keo lai, bạch đàn. Ông Ngô Duy Thông (thôn 6, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah)-Chủ vườn ươm Ngô Gia Trang có 10 năm kinh nghiệm ươm cây, cho biết: Năm nay ông ươm trên 700 ngàn cây giống các loại như cà phê, hồ tiêu, bời lời đỏ, huỳnh đàn…với giá xuất bán bằng giá của vụ trước. Theo đó, cây giống cà phê ươm 2 năm giá 18.000 đồng/cây; cà phê 1 năm 3.500 đồng/cây, bời lời 800 đồng đến 1.000 đồng/cây; hồ tiêu 6.000 đồng đến 7.000 đồng/dây... “Nhưng những lúc hàng khan hiếm, giá thị trường có thể tăng cao hơn”-ông Thông cho biết. Để có cây giống chất lượng tốt, tạo uy tín với khách hàng, ngoài việc chọn giống ban đầu có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt thì quá trình chăm sóc nhà vườn không sử dụng các loại thuốc kích thích mà chỉ là các loại chế phẩm sinh học.

 

  Trong một vườn ươm. Ảnh: ANH TUẤN
Trong một vườn ươm. Ảnh: ANH TUẤN

Điểm chung của nghề ươm cây giống trong tỉnh tồn tại theo hình thức nông hộ quy mô nhỏ, diện tích không lớn. Theo quy định hiện hành, việc thanh-kiểm tra các cơ sở ươm cây giống do Thanh tra chuyên ngành thực hiện, còn địa phương không có chức năng này. Đây có thể là kẽ hở để cây giống không rõ nguồn gốc, quy trình ươm không đảm bảo điều kiện quy định tung ra thị trường mà người chịu thiệt chính là nông dân.

Cẩn trọng khi mua cây giống

Vấn đề chất lượng các loại cây giống đang được người mua khá quan tâm. Ông Bùi Thanh Hải (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) tìm mua giống hồ tiêu cho biết: “Tìm mua cây giống, chẳng biết đâu mà lần. Giá cả mỗi nơi mỗi khác, rất khó mua. Nhỡ mua phải cây giống dởm thì tiền mất tật mang nên tôi phải tìm vườn ươm uy tín để đặt cọc trước cho yên tâm”. Ông Hải cho biết thêm: Cách đây 2 năm, ông Lê Văn Hải-người cùng xã mua 150 cây cà phê giống về trồng thay thế vườn cà phê già cỗi, lẽ ra đến nay cà phê đã ra trái, nhưng nhiều cây bị chết, số thì chậm phát triển, chưa có trái nên ông phải chặt bỏ trồng lại. Theo tính toán của ông Hải, chi phí trồng, chăm sóc 1 ha cà phê từ khi trồng cho đến lúc thu hoạch lên đến trên 100 triệu đồng. Vì vậy, trong trường hợp mua phải giống cây kém chất lượng thì thiệt hại rất lớn. Trong khi đó, các cơ sở kinh doanh khi bán cây giống đều không xuất hóa đơn, chứng từ nên khi phát hiện giống cây kém chất lượng người dân không thể đòi họ bồi thường.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số địa phương trọng điểm về sản xuất cây giống thì số lượng cơ sở được cấp phép đăng ký kinh doanh vẫn còn rất khiêm tốn so với thực tế. Riêng quản lý chất lượng giống cây trồng thì vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Hậu quả không ai khác sẽ chính là người mua. Ông Võ Mạnh Hùng-Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT, cho rằng: Hiện tại để đưa ra con số chính xác có bao nhiêu cơ sở ươm cây giống trên địa bàn tỉnh là rất khó. Chúng tôi bắt đầu triển khai rà soát các cơ sở sản xuất trong lĩnh vực này để có cơ sở quản lý thống nhất. 

 Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.