Chủ động hội nhập để phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, nền kinh tế của tỉnh ta có tốc độ tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, cơ sở hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, đời sống nhân dân được cải thiện… Để duy trì và đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế khi bước vào hội nhập, các ngành chức năng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần có những giải pháp đồng bộ để vượt qua khó khăn, thách thức trong những năm tới.

* Ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai

Ngành Ngân hàng đang thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với một số chính sách cụ thể như: trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng Việt Nam đồng của các tổ chức tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có đối tượng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tối đa là 7%/năm; cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp lãi suất tối đa là 7%/năm đối với ngắn hạn, 10%/ năm đối với trung hạn và 10,5%/năm đối với dài hạn; cho vay tái canh cà phê lãi suất trong thời gian ân hạn là 7%/năm; cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp: ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất 2 năm đầu và 50% lãi suất năm thứ ba đối với các khoản vay để mua máy, thiết bị; hỗ trợ phần chênh lệch giữa lãi suất thương mại với lãi suất tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư dây chuyền máy, thiết bị…

 

Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tái xuất xăng dầu sang Nam Lào. Ảnh: Duy Lê
Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tái xuất xăng dầu sang Nam Lào. Ảnh: Duy Lê

* Ông Đoàn Khánh Vân-Cục trưởng Cục Thuế tỉnh

Để Gia Lai ngày càng hội nhập sâu rộng, trước hết, tỉnh cần có biện pháp nâng cao và thống nhất nhận thức của toàn thể các đơn vị thuộc ngành Thuế tỉnh.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác cải cách thủ tục hành chính đối với sự phát triển, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, ngành Thuế đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, xem đây là yêu cầu bức thiết đặt ra trong quá trình hội nhập, phát triển kinh tế và là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế trong năm 2016 và thời gian tới. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp mới đầu tư, hệ thống chính sách thuế hiện hành được áp dụng thống nhất, bình đẳng cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, phù hợp với các cam kết quốc tế, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất. Đồng thời, tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính; phối hợp giữa các cơ quan liên quan để khắc phục những tồn tại về quản lý, thu thuế sử dụng đất, thuế nhà đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tiền thuê đất. Phát động phong trào cải cách thủ tục hành chính trong cơ quan thuế từ tỉnh đến cơ sở, rà soát các quy trình nghiệp vụ, quy chế quản lý, giảm thiểu thủ tục hành chính, giảm phiền phức cho người nộp thuế. Triển khai sắp xếp bộ máy, kiện toàn hệ thống pháp chế, thanh tra, kiểm tra thuế các cấp; đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành cho cán bộ trẻ, có chuyên môn tốt, có năng lực phát triển…

* Ông Phan Thanh Thiên-Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ, Tổng Giám đốc Trường Sinh Group

Hầu hết các doanh nghiệp ở Gia Lai ở dạng nhỏ và vừa hoặc siêu nhỏ, quy mô kinh doanh nhỏ lẻ, nhiều doanh nghiệp hoạt động theo hình thức cá nhân, hộ gia đình; công nghệ sản xuất còn nhiều hạn chế khó có thể cạnh tranh về chất lượng, năng suất và giá thành trong khi yêu cầu của thị trường ngày càng khắt khe hơn. Trong khi đó, người tiêu dùng không chỉ quan tâm mẫu mã, giá cả sản phẩm mà còn đòi hỏi cao hơn về chất lượng.

Do đó, để thích ứng với hội nhập, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy quản lý và công nghệ, cần đi tắt đón đầu để tranh thủ lợi thế cạnh tranh. Theo đó, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển thị trường bền vững, nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế bằng cách đầu tư áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật về năng suất và chất lượng, nâng cao trình độ chuyên môn của người lao động. Tạo mối quan hệ giao thương giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đặc biệt tham gia tích cực hoạt động các Hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân trẻ, Hội Khoa học-Kỹ thuật... từ đó tạo nên sức mạnh của khối doanh nhân nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo lợi thế cạnh tranh với các công ty nước ngoài.

Ngoài ra, tỉnh cần cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch hóa các thể chế, chính sách để rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận cơ hội và hạn chế rủi ro trong kinh doanh. Thường xuyên tổ chức các chương trình giao thương, giúp các doanh nghiệp trong tỉnh có cơ hội cọ xát, học hỏi và nâng cao lợi thế cạnh tranh đồng thời quảng bá hình ảnh, con người và tiềm năng của tỉnh để thu hút đầu tư…

Quang Tấn-Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.