Huyện Đak Pơ: Giúp dân khắc phục hậu quả hạn hán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại huyện Đak Pơ, hạn hán đã làm hàng trăm ha hoa màu khô hạn, mất trắng và hàng ngàn người thiếu nước sinh hoạt. Trước nhu cầu bức thiết của dân, huyện đã triển khai nhiều giải pháp giúp bà con ổn định cuộc sống.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, huyện xuất kinh phí dự phòng 300 triệu đồng để khoan 4 giếng với quy mô đường kính 114 mm, sâu khoảng 30 mét, xây bể chứa, lắp máy bơm cho các làng: Chair, Kruối, Môn, Klah (xã Yang Bắc) và hỗ trợ 50 triệu đồng để chở nước từ Nhà máy nước Đak Pơ về cung cấp nước trực tiếp cho 2 làng: Chair, Kruối (xã Yang Bắc). Ông Đoàn Minh Duy-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ cho biết thêm: “Nắng nóng gay gắt trong thời gian dài, có những ngày nhiệt độ lên đến 40-41oC ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và cuộc sống của người dân. Đối với cây trồng, ngoài diện tích lúa bị thiếu nước làm giảm năng suất và mất trắng thì trên cây mía bị ảnh hưởng cả vụ này và vụ tới. Nắng hạn làm mía khô héo, năng suất giảm khoảng 40%, sau khi thu hoạch mía lưu gốc không thể phát triển được. Huyện đã hỗ trợ 100 triệu đồng cho các xã cảo hồ hoặc giếng cạn trong lòng hồ để lấy nước cứu diện tích lúa đang trong giai đoạn làm đòng, kết hạt bị thiếu nước. Về nước sinh hoạt, ngoài việc dùng ngân sách hỗ trợ khoan giếng cho các làng của xã Yang Bắc, thì từ nguồn kinh phí 200 triệu đồng của tỉnh hỗ trợ, chúng tôi dự kiến sẽ đào giếng cho 2 làng Kliết và Đak Ya (xã Ya Hội), 200 triệu đồng do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội hỗ trợ sẽ đào 3 giếng cho làng Kuk Kôn, Kuk Đak, Pút (xã An Thành) và 200 triệu đồng của MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ sẽ đào 3 giếng cho thôn An Lợi (xã Phú An) và 2 làng của xã Yang Bắc… nhằm đảm bảo phục vụ nước sinh hoạt cho người dân”.

Trong cơn đại hạn, Đak Pơ đã triển khai nhiều giải pháp chống hạn, giúp cho người dân ổn định cuộc sống. Ông Nguyễn Trường-Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ cho biết: Từ đầu vụ Đông Xuân, nhận định tình hình khô hạn có thể xảy ra, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban khuyến cáo người dân gieo trồng sớm và không gieo trồng trên những diện tích thường xuyên bị hạn. Khi hạn hán xảy ra, huyện đã xuất kinh phí hỗ trợ người dân cứu cây trồng và nước sinh hoạt với phương châm không để hộ dân nào thiếu đói và thiếu nước sinh hoạt, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện huyện đã tiếp nhận được 30 tấn gạo cứu đói và đã cấp cho 3 xã khó khăn: Ya Hội, Yang Bắc và An Thành. Để vượt qua khó khăn trước mắt, huyện chỉ đạo các địa phương vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, san sẻ nguồn nước với nhau và hỗ trợ đào một số giếng tại các làng giúp người dân đủ nước sinh hoạt. Huyện cũng đã làm hồ sơ đề xuất tỉnh hỗ trợ thiệt hại do hạn hán cho người dân và hỗ trợ giống, phân bón cho người dân có điều kiện sản xuất vụ mùa, nhằm bù lại thiệt hại trong vụ Đông Xuân này.

 Gia Hưng

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.