Đổi thay từ dự án tam nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Ngày xưa, mình trồng cây bắp cũng chỉ tính tới chuyện đủ ăn. Từ khi tham gia dự án, mình trồng cây bắp lai, biết chăm cho cây bắp tốt nhất, rồi còn tìm đầu ra cho sản phẩm sao cho thu lợi nhuận cao… Làm đâu chỉ đủ ăn mà còn phải tính đến tích lũy và làm giàu nữa chứ”-anh Đinh Hơi (làng Veh, xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) chia sẻ.

Nông dân vượt “lũy tre làng”

3 năm trước, gia đình anh Đinh Hơi thuộc diện hộ cận nghèo. Quyết tâm tham gia dự án nhưng lòng anh đôi lúc lo lắng lắm… “Mình xưa nay chỉ quen trồng cây bắp rẫy, giờ trồng bắp lai liệu có tốt không? Cái bắp có to, có nhiều hạt như người Kinh trồng hay không? Nếu chẳng may không đạt, cái bắp rẫy còn đem ra mà ăn, chứ cái bắp lai thì sao thay cơm được?”… Hàng trăm câu hỏi chập chờn hiện về trong đầu khiến đôi mắt anh đêm xuống vẫn cứ chong chong không ngủ được. Và rồi, nghĩ tới gương mặt buồn thiu vì đói của vợ con, anh vội đuổi những lo lắng vẩn vơ ra khỏi đầu óc, quyết tâm tìm một lối thoát khỏi đói nghèo…

 

Nông dân vui mừng khi nhận bò lai từ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu của dự án. Ảnh: L.H
Nông dân vui mừng khi nhận bò lai từ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu của dự án. Ảnh: L.H

Nhóm chung sở thích (CIG) làng Veh có 20 hộ tham gia. Sau khi bàn bạc thống nhất, nhóm quyết định chọn trồng cây bắp lai. Đây là loại cây trồng ít vốn, dễ chăm và nhanh cho thu hoạch. Xung quanh mấy hộ người Kinh cũng làm nhiều rồi nên anh em trong nhóm cũng tự tin hơn. Nhóm anh Hơi được quỹ tài trợ dự án nhỏ cạnh tranh (CSG) giải ngân với số vốn ban đầu gần 120 triệu đồng để đầu tư làm 20 ha bắp lai. “Mình được tập huấn kỹ thuật, được hướng dẫn từ cách chuẩn bị đất đến các khâu chăm bón. Trước đây, anh em trong nhóm ai cũng chỉ trồng cây bắp theo kiểu trời cho được chừng nào ăn chừng ấy, nay chăm bón kỹ lưỡng nên phải đầu tư công sức nhiều hơn. Sau 4 tháng, riêng 1 ha của hộ nhà mình thu được 5,6 tấn bắp tươi. Mình vui lắm. Vui nhất là dự án còn giúp cho anh em tìm đại lý có chính sách thu mua đảm bảo. Số tiền bán nông sản, mình quyết định dành để đầu tư vụ tới!”- anh Hơi phấn khởi kể lại.

Cùng nhóm trồng bắp lai còn có anh Đinh Hiết. Tuy không thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo nhưng anh Hiết rất thích tham gia để học hỏi thêm kinh nghiệm sản xuất. Anh Hiết cũng trồng 1 ha bắp lai, vụ đầu tiên thu được 5,5 tấn bắp tươi. “Tới nay nhóm mình đã hoàn trả được 95 triệu đồng tiền dự án cho vay ban đầu. Số tiền còn lại, nhóm quyết định sẽ tiếp tục đầu tư quay vòng tiếp”-anh Hiết nói.

Không trồng bắp lai như ở làng Veh, các hộ trong nhóm CIG làng Brăng (xã Đak Tơ Pang, huyện Kông Chro) lại chọn nuôi bò thịt. Nhóm có 10 hộ thành viên. Tổng số tiền nhóm được hỗ trợ từ dự án là 120 triệu đồng, ngoài ra các thành viên đóng góp thêm để mua 6 con bò lai. Kể từ khi bắt đầu nuôi vào tháng 10-2014 tới nay có hộ đã có vài con bò làm vốn…

Nhiều khởi sắc

Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2012-2017 do Quỹ Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) tài trợ triển khai thực hiện trên địa bàn 5 xã của huyện Kông Chro là: Sró, Đak Pling, Đak Tơ Pang, Đak Pơ Pho và Chư Krêy. “Năm 2013, khi bắt đầu triển khai dự án chúng tôi mới thành lập được 12 nhóm CIG; mỗi nhóm có 6-21 thành viên, trong đó khoảng 60% là hộ nghèo và cận nghèo. Tuy nhiên đến nay, toàn huyện đã phát triển được 126 nhóm với khoảng 1.030 hộ thành viên (951 hộ người dân tộc thiểu số), trong đó có 789 hộ nghèo, cận nghèo. Đây là điều hết sức đáng mừng, cho thấy hiệu quả của dự án đem lại đã thuyết phục được ngày càng nhiều người dân tham gia”-ông Trần Khương Vũ-Phó Trưởng ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp huyện Kông Chro chia sẻ.

Tại huyện Kông Chro, qua quá trình khảo sát thực tế, dự án đã chọn triển khai 4 mô hình sản xuất kinh doanh cơ bản là: nuôi bò lai, trồng bắp lai, mì lai và nuôi dê. Những mô hình này có tính khả thi cao do phù hợp với điều kiện sản xuất, canh tác của bà con; đồng thời thị trường đầu ra tương đối tiềm năng. Các hộ tham gia dự án hoàn toàn tự nguyện. Để thuyết phục được dự án đầu tư, các nhóm phải xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh cụ thể và rõ ràng đến từng thành viên. Trên cơ sở đánh giá năng lực cụ thể của từng nhóm mà dự án thống nhất phương thức hỗ trợ vốn ban đầu, hạn mức tối đa là 120 triệu đồng/nhóm. Số tiền này sẽ là vốn chung của nhóm để cùng đầu tư sản xuất theo mô hình, phương án kinh doanh đã được duyệt.

Sau khi thu hoạch, bán sản phẩm và thu hồi vốn, nhóm sẽ được giữ lại phần vốn này để tiếp tục tái đầu tư. “Ngoài tạo cho các hội viên tham gia tinh thần làm việc nhóm, có sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất kinh doanh cũng như biết tự hạch toán kinh doanh, quản lý nguồn vốn và lợi nhuận, hỗ trợ nhau tối đa thì mục tiêu quan trọng chúng tôi muốn hướng đến là đào tạo cho họ kỹ năng lao động, sản xuất tích cực; biết chủ động tìm kiếm thị trường cho đầu ra sản phẩm, trong quá trình sản xuất biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để đạt năng suất, hiệu quả cao. Thực tế hiện nay, phần lớn nông dân ở Kông Chro còn thiếu và yếu những kỹ năng này. Họ thường lệ thuộc vào những đại lý nhỏ lẻ trong việc vay vốn hay mua giống, vật tư với mức giá cao trong khi nông sản sau thu hoạch lại chỉ bán được mức giá thấp. Điều này rất thiệt thòi. Các điều trên sẽ tạo động lực cho họ thay đổi tư duy làm ăn phát triển kinh tế, đồng thời phát huy được sự năng động của từng cá nhân trong làm ăn”- ông Vũ cho biết.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.
Chư Păh thu ngân sách đạt hơn 56,7 tỷ đồng

Chư Păh thu ngân sách đạt hơn 56,7 tỷ đồng

(GLO)- Ngày 11-4, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị lần thứ 16 (mở rộng) nhằm đánh giá kết tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý I và triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm quý II năm 2024.