Thị trường điện máy: Bão hòa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Địa bàn rộng, đời sống dân cư phát triển là môi trường kinh doanh điện máy tương đối thuận lợi. Thế nhưng ngoài những doanh nghiệp có quy mô lớn “trụ hạng” được trong thời buổi thị trường có sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay, không ít doanh nghiệp đang phải lao đao chịu cảnh thất thế dù đã hoạt động lâu năm…

Giảm lãi, tăng khuyến mãi

Trưng băng rôn, phát tờ rơi, phát cẩm nang mua sắm… là những hình thức quảng cáo các chương trình khuyến mãi khá phổ biến hiện nay. Cách thức thu hút khách hàng này ít nhiều có lợi cho doanh nghiệp (DN), song cũng khiến nhiều DN, cửa hàng nhỏ rơi vào cảnh kinh doanh… không lấy lãi. Ban đầu chỉ là việc giảm giá ở một số mặt hàng cần đẩy mạnh tiêu thụ, tránh tồn kho, nhưng dần dần các chương trình khuyến mãi được áp dụng ở hầu hết sản phẩm, từ mức giảm nhẹ cho đến mức giảm 40-50% đối với mặt hàng giá trị thấp, hoặc mức giảm lên đến hàng triệu đồng cho những đơn hàng lớn. Những chương trình “Giờ vàng”, “Tuần lễ vàng”, hay giảm giá khuyến mãi theo dịp lễ, theo sự kiện trước đây lâu lâu mới có, thì nay chương trình cứ nối tiếp chương trình, có khi kéo dài đến cả tháng, thậm chí là quanh năm.

 

Thị trường điện máy gần như bão hòa, sức mua không mạnh như những năm trước.
Thị trường điện máy gần như bão hòa, sức mua không mạnh như những năm trước.

Nhìn nhận vấn đề này, bà Trần Thị Thu Nguyệt-đại diện DN tư nhân Siêu thị Ngọc Nam (đường Nguyễn Trãi, TP. Pleiku) cho rằng: Kích cầu bằng hình thức khuyến mãi mang lại doanh thu lớn, nhưng chưa chắc đảm bảo hiệu suất lợi nhuận cho DN, vì có những ưu đãi là từ chương trình của nhà sản xuất, nhưng cũng có những ưu đãi do chính DN thực hiện.

Bà Nguyệt cho biết, cách thức thu hút khách hàng khác nhau nhưng chung quy là làm sao đưa đến mức giá cạnh tranh nhất, ưu đãi nhiều nhất cho người tiêu dùng. Thay vì tặng quà kèm theo, thường DN của bà chọn cách ưu đãi là giảm giá trực tiếp trên sản phẩm để khách hàng giảm được một khoản chi và không có cảm giác như kiểu bỏ tiền ra mua 2 món hàng một lần. Hoạt động lâu năm trên thị trường với ưu thế về bán sỉ cho nhiều cửa hàng ở các huyện và tham gia cung cấp, lắp đặt cho công trình nên chính sách giá sỉ được xem là phương châm kinh doanh của DN.

“Để đi đến quyết định mua một sản phẩm bất kỳ, thường người tiêu dùng tham khảo giá rất kỹ ở nhiều nơi bán khác nhau. Chỉ cần mình bán chênh lệch chừng 100 ngàn đồng là đã thấy mất khách rồi, nên việc giảm lợi nhuận và đưa ra mức giá tốt nhất là đương nhiên nếu muốn có khách hàng”-ông Đức Thanh-Điện máy Đức Thanh chia sẻ.

Không ít DN thừa nhận, kinh doanh điện máy bây giờ rất khó khăn, những thương hiệu lớn xuất hiện như Điện máy Xanh, sắp tới là Nguyễn Kim càng gia tăng áp lực. Giả sử ngày trước lợi nhuận khoảng 5-7%, giờ chỉ còn tính vài chục ngàn đồng. Sản phẩm giá trị cao may ra còn lãi được chút đỉnh, đó là chưa kể những sản phẩm lỗi mốt phải chấp nhận bán dưới giá vốn, rồi lại phải đua khuyến mãi.

Đau đầu với chiến lược

Thị phần đã có sự phân chia từng mảng khách hàng khác nhau, có những DN đẩy mạnh về bán lẻ, có những DN vừa bán lẻ vừa bán sỉ, nhưng dù sao sự gia nhập của một số thương hiệu lớn trên thị trường đã mang đến cho người tiêu dùng nhiều sự chọn lựa và tiết giảm các khoản chi một cách hợp lý trong thời buổi hiện nay. Muốn khẳng định thương hiệu, chiếm lĩnh thị phần, nhiều DN cho rằng phải hội được ba yếu tố, đó là: cạnh tranh về giá, gia tăng chế độ hậu mãi, mở rộng quy mô.

Ngoài việc phải đảm bảo hàng hóa có chất lượng, giá bán tốt, các DN còn phải tạo sự đồng bộ bằng cách gia tăng dịch vụ, như bán hàng trả góp không lãi suất, đẩy mạnh các hình thức thanh toán nhanh gọn, đặc biệt là công tác chăm sóc khách hàng từ khâu đón tiếp, giới thiệu sản phẩm cho đến việc khuyến khích dùng thử sản phẩm (được quyền đổi sản phẩm trong thời gian lên đến 14 ngày không mất phí), bảo hành, bảo trì sản phẩm được chú trọng… Bên cạnh đó, những DN điện máy lớn trên địa bàn còn mở rộng quy mô, phát triển thêm địa điểm kinh doanh, không chỉ ở địa bàn thành phố mà còn vươn rộng ra một số huyện thị.

Tuy nhiên, trong cuộc đua này, phần chắc vẫn thuộc về những DN có quy mô vốn lớn, có uy tín trên thị trường. Đã có trường hợp DN phải bỏ cuộc, như cửa hàng Thiên Hoa (đường Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku). Cửa hàng này chọn địa điểm kinh doanh cách xa trung tâm thành phố chừng chục cây số nhằm thu hút khách hàng khu vực vùng ven, thế nhưng sau một thời gian buôn bán tình hình không mấy sáng sủa, doanh thu giảm dần, cửa hàng phải tạm đóng cửa. Còn có một vài cửa hàng nhỏ lẻ, khi có sự cạnh tranh của những thương hiệu lớn thì thất thế, đành chọn phương án chở xe tải đi bán dạo ở những vùng hẻo lánh. Rồi có những DN thu hẹp kinh doanh, không đa dạng sản phẩm nữa mà chọn cách tiếp thị một vài sản phẩm đến người dân ở phân khúc bình dân để tránh tồn hàng, đọng vốn.

Với những DN lớn mặc dù có chiến lược dài hạn, tuy nhiên theo nhận định thị trường điện máy gần như bão hòa, sức mua không mạnh như những năm trước, hầu hết chỉ đông khách thời gian đầu khai trương, còn sau đó lượng khách giảm dần. Có những nơi ước tính lợi nhuận giảm khoảng một nửa và đây được coi là thời kỳ lợi nhuận thấp nhất trong nhiều năm qua.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

(GLO)- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 26-3-2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.