Gia Lai: Mì mất mùa, mất giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời tiết khô hạn đã gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của nhiều cây trồng trên địa bàn tỉnh, làm cho năng suất các loại cây trồng giảm mạnh, đặc biệt là cây mì. Cùng với đó, giá mì hiện đang ở mức rất thấp khiến không ít các hộ dân lâm vào cảnh thua lỗ và nợ nần.

Nắng hạn đã làm rẫy mì của anh Quynh cho củ nhỏ. Ảnh: Q.T
Nắng hạn đã làm rẫy mì của anh Quynh cho củ nhỏ. Ảnh: Q.T

Sau khi xuống giống, gần 1 ha mì của gia đình anh Nay Kni (ở buôn Bát, xã Chư Gu, huyện Krông Pa, Gia Lai) bị chết do thiếu nước. Anh Kni đành phải chạy đôn chạy đáo vay mượn tiền của thương lái để đầu tư trồng lại. Thế nhưng, trời không chiều lòng người, tình trạng nắng hạn kéo dài, mùa mưa năm 2015 đến muộn và lượng mưa tương đối thấp, có những thời điểm không có mưa nên cây mì phát triển chậm và cho củ nhỏ. “Gia đình tôi vay 10 triệu đồng để đầu tư mua giống, cày đất, mua phân bón…, chưa kể công chăm sóc. Tuy vậy chỉ thu được 3 tấn mì khô, với giá bán hiện tại chỉ được 2,4 ngàn đồng/kg (giảm khoảng 1 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm trước), thu về được khoảng 7 triệu đồng thôi, không đủ để trả nợ”-anh Kni than thở. Không đủ tiền trả nợ, anh Kni còn gánh thêm khoản tiền lãi mỗi tháng thêm 400 ngàn đồng (tính từ tháng 5-2015 đến nay), cuộc sống của gia đình 5 miệng ăn vốn đã khó khăn nay càng khốn khó.

Tương tự, 1,7 ha mì của hộ gia đình anh Vũ Văn Quynh (ở thôn Tân Lập, xã Ia Rsai, huyện Krông Pa) cũng giảm năng suất so với vụ trước. Anh Quynh cho biết: “Với diện tích này, vụ trước gia đình tôi thu được hơn 17 tấn khô thì vụ này thu chưa được 10 tấn khô, giảm trên 40%. Trong khi đó, giá mì mà các đại lý trên địa bàn huyện Krông Pa thu mua chỉ là 2,4 ngàn đồng/kg khô, cộng với giá thuê nhân công khá cao (140 ngàn đến 150 ngàn đồng/ngày), sau khi trừ đi các khoản chi phí đầu tư, gia đình tôi chỉ hòa vốn hoặc lỗ mà thôi”.

 

Giá thuê nhân công thu hoạch lại khá cao. Ảnh: Q.T
Giá thuê nhân công thu hoạch lại khá cao. Ảnh: Q.T

Tình cảnh của các hộ gia đình anh Kni, anh Quynh cũng là tình cảnh chung của người trồng mì trên địa bàn các huyện như Ia Pa, Chư Prông, Phú Thiện... Vụ mì này cũng không đem lại niềm vui trọn vẹn cho hộ gia đình ông Nông Văn Lân (thôn Bắc Thái, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông). Ông Lân buồn bã cho biết: “Mấy năm nay, giá phân bón, giá thuốc bảo vệ thực vật, nhân công tăng nhưng giá mì liên tục giảm. Nếu hai năm trước, giá mì khô dao động từ 4 ngàn đến 5 ngàn đồng/kg thì 2 năm nay luôn ở mức dưới 3 ngàn đồng/kg và hiện nay chỉ còn 2,4 ngàn đồng/kg. Hộ nào càng làm nhiều càng lỗ nhiều, hộ nào làm ít lỗ ít, hộ nào may mắn thì không bị lỗ nhưng lãi cũng chẳng được bao nhiêu”.
 

Giá thu mua tại rẫy mỗi kg mì khô chỉ là 2,4 ngàn đồng.
Giá thu mua tại rẫy mỗi kg mì khô chỉ là 2.400 đồng. Ảnh: H.T

Trao đổi với P.V, ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa cho biết, trong năm 2015, diễn biến thời tiết trên địa bàn huyện Krông Pa bất lợi, mùa mưa đến muộn với lượng mưa khá thấp (chỉ đạt chưa tới 900 mm, thấp hơn so với mức trung bình 400 mm) và lượng mưa phân bố không đều, làm cho nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn bị ảnh hưởng nặng. Trong đó, khoảng 12 ngàn ha mì của huyện bị ảnh hưởng không nhỏ. Hiện nay, người dân trên địa bàn đã thu hoạch được khoảng 65% diện tích, năng suất bình quân đạt khoảng 17 tấn tươi/ha (khoảng gần 7 tấn khô/ha), giảm từ 20% đến 30% so với vụ trước.

Ngoài ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết, việc nông dân tự chọn lọc giống kém chất lượng cùng kỹ thuật canh tác còn hạn chế cũng là nguyên nhân khiến mì giảm năng suất. Đồng quan điểm, ông Lữ Phúc Phong-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa cũng nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mì mất mùa là do tình hình nắng hạn trong năm qua đã làm cho cây mì không phát triển hoặc chậm phát triển dẫn đến năng suất giảm so với năm trước…

Quang Tấn-Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.