Bảo vệ đàn gia súc mùa nắng nóng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nắng nóng kéo dài, lượng nước ngầm tại các sông, suối và giếng trên địa bàn tỉnh giảm mạnh so với trung bình nhiều năm không chỉ gây thiệt hại cho các loại cây trồng mà còn ảnh hưởng đến đàn vật nuôi của tỉnh. Trước tình hình trên, phóng viên Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông DƯƠNG NGỌC THANH-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh về các biện pháp bảo vệ đàn gia súc để tránh thiệt hại do nắng nóng gây ra.

Chủ động tìm nguồn thức ăn cho bò.
Chủ động tìm nguồn thức ăn cho bò.

P.V: Nắng nóng ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn gia súc như thế nào, thưa ông?

- Ông DƯƠNG NGỌC THANH: Có thể nói, hiện nay đàn gia súc, gia cầm đang phát triển ổn định được người chăn nuôi duy trì và bảo vệ khá tốt. 6 tháng đầu năm 2015, tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh hiện có 387.514 con trâu, bò; 438.147 con heo và trên 2.193.175 con gia cầm…  Đàn gia súc, gia cầm hiện gặp khó khăn nhất định do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino trong mùa khô năm nay. Bởi lẽ, nắng hạn sẽ làm đồng cỏ tự nhiên giảm, lượng thức ăn cung cấp cho gia súc cũng giảm theo nên nguy cơ thiếu thức ăn, nước uống là rất lớn; tổng đàn gia súc, gia cầm cũng sẽ bị giảm so với mọi năm là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Hơn nữa, việc sinh trưởng của đàn gia súc, gia cầm trong điều kiện nắng nóng, thiếu nước uống và nguồn thức ăn suy giảm dẫn đến sức đề kháng của gia súc giảm, rất dễ xuất hiện các bệnh truyền nhiễm, bệnh thường gặp ở đàn đàn trâu, bò như bệnh tụ huyết trùng; bệnh say nắng và bệnh nghẽn dạ lá xách do thiếu nước uống.

P.V: Vậy Chi cục đã có khuyến cáo gì với người chăn nuôi?

- Ông DƯƠNG NGỌC THANH: Đến thời điểm này, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện các loại bệnh nào gây thiệt hại cho người chăn nuôi do nắng nóng gây ra. Tuy nhiên, trước tình hình nắng hạn như hiện nay, để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm một cách tốt nhất, Chi cục đã có công văn hướng dẫn người chăn nuôi cần tăng cường các biện pháp để bảo vệ đàn gia súc của mình trong mùa nắng nóng. Trong đó, tập trung vận động nhân dân tích nước phục vụ chăn nuôi gia súc; tận dụng mọi nguồn nước có thể dùng làm nước uống cho đàn gia súc. Trồng các giống cỏ có khả năng chống chịu hạn cao để làm thức ăn cho gia súc. Tăng cường khẩu phần ăn xanh như rau, cỏ tươi, đạm…; đặc biệt tăng cường vệ sinh chuồng trại, chủ động tiêm các loại vắc xin phòng bệnh, nâng cao sức đề kháng cho đàn gia súc, gia cầm… Đề nghị người dân khi thấy gia súc có biểu hiện bất thường nên báo cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn để có giải pháp ngăn chặn kịp thời, không để bệnh xảy ra, gây thiệt cho người chăn nuôi…

Đối với người chăn nuôi cần chủ động quy trình phòng-chống dịch bệnh phù hợp. Trong đó, tập trung chăm sóc, nuôi dưỡng đàn trâu, bò theo quy trình. Khi thời tiết nắng nóng quá nên hạn chế thả gia súc ra đồng. Đặc biệt, chủ động tìm nguồn thức ăn, nước uống bổ sung cho đàn gia súc một cách đầy đủ. Tăng cường các biện pháp bảo vệ đàn gia súc để ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm phát sinh gây thành dịch bệnh, chăn thả gia súc phù hợp với điều kiện thời tiết…

 

P.V: Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Diệp (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.