Nông dân lao đao vì dưa rớt giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua Tết Nguyên đán, giá dưa hấu “rơi tự do” khiến người trồng dưa hấu ở vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai phải chịu cảnh trắng tay hoặc lỗ vốn hàng trăm triệu đồng.
 

Ruộng dưa bị thiệt hại nặng của ông Nguyễn Văn Việt. Ảnh: V.N
Ruộng dưa bị thiệt hại nặng của ông Nguyễn Văn Việt. Ảnh: V.N

Những ngày này, mỗi sáng thức dậy nhìn những trái dưa to lăn lóc trên ruộng ở làng Bi Ya (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa), anh Nguyễn Thanh Quang (trú tại thị xã An Khê) không khỏi buồn rầu. Đã đến vụ thu hoạch nhưng ruộng dưa của anh vẫn la liệt quả. Sau hơn 3 tháng trời ròng rã chăm sóc, anh Quang đành phải bỏ ruộng dưa, bỏ trắng vốn liếng và công sức của mình. “Bây giờ mà chở đi bán thì cũng chỉ có 1 ngàn đồng/kg, tính phí vận chuyển và công hái thì càng lỗ vốn nên tôi đành tháo bạt về thôi, dưa đó cho người dân ở đây họ lấy được quả nào thì họ lấy vậy. Năm nay thuê được mảnh đất đẹp, dưa lên tốt tưởng được vụ mùa bội thu không ngờ lỗ vốn hơn 350 triệu đồng”-anh Quang buồn bã nói.

Cũng có ruộng dưa bị thiệt hại khá nặng bởi khí hậu khắc nghiệt, ông Nguyễn Văn Việt (63 tuổi, thị xã An Khê) cho biết, vụ dưa này, ông thuê gần 4 ha đất ở xã Pờ Tó với chi phí đầu tư trên 14 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, dưa bị hư hại không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, hiện ông đang phải thuê xe chở dưa của mình đi bán tại Kon Tum với giá chỉ 1 ngàn đồng/kg. Trừ chi phí vận chuyển và công cán, ông ước tính 1 kg dưa chỉ có giá 600 đồng. Chưa tính công của 4 người trong gia đình bỏ ra trong hơn 3 tháng, ông đã lỗ đến hơn 400 triệu đồng.

Không quá thê thảm như người trồng dưa tròn, nhưng những người chọn giống dưa “Hắc Mỹ Nhân” cũng không thể thu lời từ thửa ruộng của mình. Ông Nguyễn Văn Kim (trú tại tỉnh Phú Yên) năm nay thuê được hơn 2 ha đất để trồng dưa tại xã Đất Bằng (huyện Krông Pa). Dưa phát triển tốt, cho quả đẹp và đều nhưng ông cùng những hộ nông dân khác tại cánh đồng này vẫn đau đầu bởi giá cả khá thấp. Hiện tại giá dưa “Hắc Mỹ Nhân” xuất khẩu chỉ đạt 3 ngàn đồng/kg và khả năng sẽ tiếp tục rớt giá trong thời gian tới. “Mỗi sào dưa tôi phải bỏ đến 16 triệu đồng đầu tư, nhưng với giá cả thế này thì may lắm chỉ thu hồi vốn, không dám nghĩ đến chuyện lấy lãi”-ông Kim cho hay.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.