Hiệu quả từ những công trình thủy lợi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2015, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ 2 tỷ đồng cho người dân làng Veh (xã Chư Krey) và làng Dy Rao (xã Đak Pơ Pho) của huyện Kông Chro thực hiện bê tông hóa hơn 1 km kênh mương nội đồng và xây đập dâng thủy lợi. Hai công trình này được hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần giúp bà con dân tộc thiểu số nơi đây có thêm những mùa vàng ấm no.

  Niềm vui của người dân khi có kênh mương thủy lợi. Ảnh: Đ.T.Y
Niềm vui của người dân khi có kênh mương thủy lợi. Ảnh: Đ.T.Y

Theo ông Vũ Đức Động-Phó Chủ tịch UBND xã Đak Pơ Pho, kiêm Trưởng ban Phát triển xã, trước đây, mỗi khi mùa vụ đến, người dân lại lo lắng vì không chủ động được nguồn nước tưới. Nguyên nhân là hệ thống kênh mương thủy lợi dài hơn 3 km đã xuống cấp. “Vụ nào chúng tôi cũng vận động bà con nạo vét nhưng tình trạng thiếu nước vẫn xảy ra. Khi có Dự án giảm nghèo hỗ trợ, đập giữ nước của công trình thủy lợi được tu sửa lại, các kênh mương cũng được gia cố, đồng thời, dự án còn xây mới 560 mét kênh mương. Nhờ đó, kênh mương nội đồng trên địa bàn xã đã được nối dài tới tất cả các cánh đồng của 6 thôn-làng. Bây giờ người dân có thể chủ động được nguồn nước và yên tâm sản xuất”-ông Động nói.

Không riêng gì làng Dy Rao (xã Đak Pơ Pho), làng Veh (xã Chư Krey) cũng được hưởng lợi từ dự án. Trao đổi với P.V, ông Đinh Hơi-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Key, cho biết: Đến cuối tháng 1-2016, đập thủy lợi làng Veh đã hoàn thành. Nhìn con đập được xây dựng kiên cố, bà con làng Veh rất phấn khởi vì từ nay không còn cảnh cứ năm nào cũng phải sửa đập mất nhiều công sức. Có đập nước sẽ dẫn về đến tận làng, dân làng có nước để sinh hoạt, còn cánh đồng hai chục ha lúa nước của dân làng không còn lo thiếu nước vào mùa nắng.

Thời điểm này ở Kông Chro, việc chống hạn cho cây trồng gặp nhiều khó khăn thì vai trò các đập dâng nước, tuyến kênh mương thủy lợi nội đồng rất quan trọng. Với cách làm hiệu quả trong công tác quản lý và khai thác, hệ thống kênh mương, các công trình thủy lợi vừa được đầu tư cho 2 làng hứa hẹn sẽ mang lại cho người dân những mùa vàng ấm no. Có ruộng lúa nằm ở ngay đầu công trình thủy lợi, chị Lơi (ở làng Dy Rao) nói: “Nhà mình có 4 đám ruộng ở đây. Những năm trước, việc sản xuất phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên nên chỉ sản xuất được 1 vụ lúa rẫy. Bởi thế, năm nào cũng thiếu ăn vào thời điểm giáp hạt. Từ vụ sau, khi nguồn nước tưới đã chủ động, gia đình mình sẽ làm lúa nước 2 vụ, sau đó có thể làm thêm 1 vụ hoa màu nữa”.

… Nhờ có đập dâng thủy lợi cùng với hệ thống kênh mương dẫn nước của dự án, người dân làng Dy Rao và làng Veh đã mở rộng diện tích sản xuất, hướng đến một cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Đinh Thị Yến

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.