Sản xuất cà phê bền vững theo hướng 4C

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hầu hết diện tích cà phê trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đang ở thời kỳ kinh doanh. Để nâng cao chất lượng cà phê, ổn định năng suất, huyện đã triển khai mô hình chuyển giao kỹ thuật sản xuất cà phê vối bền vững theo hướng 4C tại xã Ia Krái.

Một hộ làm thí điểm mô hình 4C.    Ảnh: G.H
Một hộ gia đình ở huyện Ia Grai làm thí điểm mô hình 4C. Ảnh: G.H

Theo đó, mô hình được triển khai với quy mô 8 ha (4 ha trình diễn và 4 ha đối ứng) với 8 hộ tham gia. Qua 1 năm triển khai cho thấy người trồng cà phê sử dụng phân bón, vật tư và nước tưới một cách hợp lý, giảm chi phí đầu tư, năng suất cà phê tăng hơn 1 tấn tươi/ha, tránh được tình trạng thừa phân bón, nước tưới gây lãng phí… Ông Ksor Alơn-làng Doch Tun, xã Ia Krái cho biết: “Gia đình tôi có hơn 1 ha cà phê, trước đây năng suất bình quân chỉ đạt khoảng 15-16 tấn tươi mỗi vụ. Nhưng vụ cà phê vừa qua, được hỗ trợ làm thí điểm mô hình 4C, tôi thấy chi phí đầu tư giảm hơn 200 ngàn đồng so với đầu tư trước đây, năng suất và giá bán cao hơn nên lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí tăng gần 9 triệu đồng/ha”. Hay như hộ Siu Sen-làng Bia Yon (xã Ia Krái) sau khi được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vật tư sản xuất cà phê bền vững theo hướng 4C đã cải thiện được năng suất, hiệu quả kinh tế tăng hàng chục triệu đồng/ha.
 

4C là gì?

-Common (Chung) 4C dựa trên quyết định của mọi thành viên. 4C được xây dựng trên sự nhất trí nội bộ và giữa các nhóm bên liên quan (người sản xuất, thương mại/công nghiệp và tổ chức xã hội).

-Code (Bộ quy tắc) Bộ quy tắc tự nguyện này bước đầu đưa ra một mức tối thiểu về sự bền vững. Việc tuân thủ được kiểm tra xác nhận. Không phải chứng nhận sản phẩm.

-Coffee (Cà phê) Dòng cà phê chủ lực/cà phê đại trà. Tất cả các loại cà phê, các hệ thống sản xuất, các vùng trồng cà phê.

-Community (Cộng đồng) của ngành cà phê cho chính ngành cà phê: Tính tự chủ. Hệ thống thành viên.

Trước đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình kỹ thuật sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C với quy mô 25 ha và có 40 hộ nông dân tại xã Ia Yok tham gia. Mỗi hộ được hỗ trợ 50% chi phí vật tư, kỹ thuật, tập huấn, kiểm tra và được hướng dẫn quy trình ủ vỏ cà phê, tưới nước tiết kiệm, trồng cây che bóng, chắn gió, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, ghi chép nhật ký nông hộ, hạch toán thu chi một cách chính xác. Qua đối chiếu với vườn cà phê đối chứng, đến nay, các vườn cà phê áp dụng theo quy trình sản xuất cà phê bền vững đều phát triển tốt, không phát hiện sâu bệnh gây hại, giá bán cao hơn giá thị trường 300 đồng/kg nhân, giảm chi phí vật tư đầu vào, năng suất tăng 10% so với cách sản xuất thông thường.

Việc chuyển giao kỹ thuật sản xuất cà phê vối bền vững theo hướng 4C trên địa bàn huyện Ia Grai bước đầu phát huy hiệu quả, giúp nông dân sản xuất an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần ổn định cuộc sống… Ông Mai Văn Hùng-Trưởng trạm Khuyến nông huyện Ia Grai cho biết: Mô hình này sẽ giúp nông dân trồng cà phê cung cấp các sản phẩm cà phê an toàn trên thị trường, góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất, bảo vệ môi trường, thay đổi thói quen canh tác kém hiệu quả. Mô hình này cũng giúp duy trì ổn định về năng suất, chất lượng, từng bước hình thành mối liên kết giữa người sản xuất và tiêu thụ với sự tham gia của doanh nghiệp, tổ hợp tác. Đặc biệt, năng suất cà phê tăng 1-1,5 tấn tươi/ha và giá bán tăng 300 đồng/kg so với sản xuất truyền thống sẽ giúp người trồng cà phê thu thêm lợi nhuận khoảng 10-15 triệu đồng/ha.

Gia Hưng

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.