"Gỡ khó" trong vận chuyển mía

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cho phép xe ô tô tải kéo theo rơ moóc để vận chuyển mía được xem là một trong những giải pháp gỡ khó cho nông dân cũng như các doanh nghiệp thu mua, vận chuyển và sản xuất mía đường trên địa bàn hiện nay. Đây cũng là nỗ lực của ngành Giao thông-Vận tải tỉnh nhằm đảm bảo phương tiện chở đúng tải trọng theo quy định.

Có thể nói, việc thực hiện chủ trương: “Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” trên địa bàn Gia Lai trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả nhất định. Tình trạng chở quá tải, quá khổ của phương tiện tham gia giao thông đã giảm đi rất nhiều, trật tự an toàn giao thông phần nào được thiết lập hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thực tế lại phát sinh nhiều hệ lụy liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa, đáng nói nhất là tình trạng ùn ứ hàng hóa nông sản khiến nông dân lao đao khốn khó vì thiếu xe vận chuyển và giá cước vận tải tăng cao. Trong khi đó, các nhà máy lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất do sự chậm trễ trong vận chuyển nguyên liệu và giá thành bị đội lên do chi phí vận chuyển cao…

 

Lo ngại mùa thu hoạch năm 2015 sẽ không đủ phương tiện để vận chuyển mía về nhà máy, một số doanh nghiệp vận chuyển, sản xuất mía đường trên địa bàn đã có văn bản kiến nghị, Sở Giao thông-Vận tải đã hướng dẫn việc tổ chức cho xe ô tô tải kéo theo rơ moóc nhằm tăng tải trọng chở mía mà vẫn đảm bảo an toàn giao thông. Ông Nguyễn Văn Lừng-Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai cho biết: Do siết chặt tải trọng nên hoạt động sản xuất vụ mía năm trước của Công ty bị ảnh hưởng khá lớn. Năm nay, để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân vận chuyển mía được nhiều, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo đúng quy định tải trọng; Công ty đã làm đơn kiến nghị lên Sở Giao thông-Vận tải cho phép phương tiện vận chuyển mía được kéo theo rơ moóc nhằm hạn chế tình trạng quá khổ, quá tải, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Trao đổi vấn đề này với P.V, ông Nguyễn Hữu Quế-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho biết: Ngay sau khi nhận được văn bản của Nhà máy Đường Ayun Pa, Sở Giao thông-Vận tải đã liên hệ với Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trung tâm Đăng kiểm 8103D và đã tổ chức buổi làm việc với đại diện Nhà máy Đường Ayun Pa vào ngày 7-10-2015.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe ông Nguyễn Văn Lừng trình bày nhu cầu sử dụng rơ moóc để tham gia vận chuyển mía, vừa nâng cao năng suất vận chuyển, vừa đảm bảo tải trọng, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam đã hướng dẫn cụ thể các bước triển khai để Nhà máy Đường Ayun Pa có thể sử dụng rơ moóc tham gia vận chuyển mía trong mùa vụ sắp đến. Theo đó, Nhà máy cần thông báo cho các chủ phương tiện có nhu cầu kéo theo rơ moóc đăng ký với Trung tâm Đăng kiểm 8103D để được hướng dẫn về tiêu chuẩn và trọng lượng của rơ moóc kéo theo. Đồng thời, liên hệ với các nhà máy để đặt hàng sản xuất rơ moóc đúng tiêu chuẩn.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Quế thì hiện Sở Giao thông-Vận tải đã chỉ đạo các Trung tâm Đào tạo Lái xe tổ chức các lớp đào tạo lái xe kéo theo rơ mooc (giấy phép lái xe hạng Fc) cho các chủ phương tiện có nhu cầu, đào tạo kịp thời trước khi vào vụ ép mía 2015-2016.

Một khi vấn đề này được tháo gỡ thì không chỉ riêng với việc vận chuyển mía mà việc vận chuyển các mặt hàng nông sản khác như: mì, cà phê, đậu tương… cũng có cơ hội giải tỏa ùn ứ nếu phương tiện vận chuyển được kéo theo rơ moóc. Đây được coi là một trong những nỗ lực của ngành Giao thông-Vận tải tỉnh trong việc đưa ra các giải pháp hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong việc vận chuyển hàng hóa mà vẫn đảm bảo thực hiện đúng chủ trương “Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” của Bộ Giao thông-Vận tải.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Chư Păh thu ngân sách đạt hơn 56,7 tỷ đồng

Chư Păh thu ngân sách đạt hơn 56,7 tỷ đồng

(GLO)- Ngày 11-4, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị lần thứ 16 (mở rộng) nhằm đánh giá kết tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác quý I và triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm quý II năm 2024.