Tích cực tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong điều kiện kinh tế hiện nay, chính sách về lãi suất cho vay, đẩy mạnh cung ứng vốn cho doanh nghiệp được xem là một trong những giải pháp quan trọng. Bởi, vốn tín dụng ngân hàng đã giải quyết phần lớn nhu cầu về vốn cho hoạt động sản xuất-kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn về tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động…

Thời gian qua, các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn đã tích cực triển khai nhiều chương trình, chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cụ thể, từ việc triển khai chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp đã tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, với doanh số cho vay lũy kế từ đầu chương trình là 19.868 tỷ đồng, doanh số thu nợ lũy kế 5.343 tỷ đồng; dư nợ hiện tại là 14.525 tỷ đồng. Cùng với đó là việc triển khai cho vay đối với các nhóm lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên, như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ… với dư nợ hàng ngàn tỷ đồng.

 

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2015 đã cấp đăng ký thành lập mới cho 138 DN và 366 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng vốn đăng ký là 445,2 tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, trên địa bàn có 30 DN và 18 đơn vị trực thuộc giải thể, 25 DN và 3 chi nhánh đăng ký tạm ngừng hoạt động sản xuất-kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng để xem xét định thời hạn trả nợ phù hợp, miễn giảm lãi phù hợp đã giúp DN có điều kiện tái cấu trúc về tài chính, vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì hoạt động, mở rộng sản xuất kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, đã điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ cho 1.707 DN với dư nợ được điều chỉnh là 12.059 tỷ đồng. So với cuối năm 2014, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,5%/năm, hiện vay ngắn hạn phổ biến ở mức 7%-9%/năm, vay trung dài hạn 11%-12%/năm. Lãi suất ở mức hợp lý là cơ hội để DN mạnh dạn tính toán phương án sản xuất kinh doanh. Lãnh đạo một số NHTM cho biết, đây là mức lãi tương đối thấp so với nhiều năm qua.

Vì vậy, vấn đề đáng ngại đối với DN không còn liên quan đến lãi suất vay, mà là khả năng sử dụng vốn. Bởi hiện nay có những DN 70% vốn hoạt động là từ đi vay ngân hàng.  Cùng với đó, giá cả một số mặt hàng nông sản như cao su, cà phê giảm đã ảnh hưởng đến tình hình hoạt động sản xuất-kinh doanh và khả năng trả nợ của các DN; rồi sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường khiến đầu ra sản phẩm hàng hóa còn hạn chế. Hiện cũng còn không ít DN chưa tiếp cận được nguồn tín dụng, mà nguyên nhân là DN không đáp ứng được điều kiện vay vốn, chủ yếu liên quan đến tài sản thế chấp, phương án sản xuất-kinh doanh không khả thi, khả năng thu hồi vốn khó...

 

Tuy nhiên, cùng với việc nỗ lực trong việc tìm kiếm khách hàng, mở rộng đối tượng DN vay vốn làm ăn ở hầu hết các ngành nghề, đã góp phần đưa tổng dư nợ tín dụng toàn ngành trong 6 tháng đầu năm nay tăng khá, hiện đạt con số 47.343 tỷ đồng. Vốn được hấp thụ vào nền kinh tế thúc đẩy DN phát triển, thể hiện ở sự tăng trưởng rõ nét ở các ngành nông-lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp-xây dựng, dịch vụ. Bên cạnh đó, DN có đóng góp rất lớn vào việc tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Với hơn 3.000 DN đang hoạt động đa dạng các ngành nghề trên địa bàn là cơ hội để ngân hàng đầu tư vốn nhằm tăng trưởng dư nợ tín dụng.

Theo ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh, bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư tín dụng đối với các ngành kinh tế ưu tiên; lĩnh vực có lợi thế của địa phương, ngành Ngân hàng cũng sẽ chủ động làm việc với cấp ủy, chính quyền một số huyện, thị xã để nắm bắt tình hình cụ thể về nhu cầu vốn, có biện pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện cho DN được tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Chương trình này đã được thực hiện tại TP. Pleiku và thị xã An Khê, qua đó cũng mang lại một số kết quả bước đầu.

Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh cũng đang đề xuất thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn theo Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg và Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để tạo điều kiện cho các DN nhỏ và vừa trên địa bàn có điều kiện vay vốn ngân hàng mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.