Tái cơ cấu ngân hàng: Kiểm soát chặt chẽ nợ xấu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Kể từ ngày 1-4-2015, các ngân hàng thương mại chính thức ngừng cơ chế cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư số 09/2014/TT-NHNN. Liệu sau thời điểm này, áp lực kiểm soát nợ xấu của ngân hàng có gia tăng hay không và cơ hội tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp sẽ ra sao?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo tinh thần của Thông tư số 09/2014/TT-NHNN “Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21-1-2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ (khoản 3a Điều 10) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-3-2014 và hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-4-2015. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các ngân hàng thương mại cần phải chủ động và quyết liệt hơn trong việc phân loại nợ, xử lý nợ xấu ngay trước thời điểm 1-4 và khoảng thời gian tiếp sau đó.
 

Tính đến ngày 20-5-2015, nợ xấu trên địa bàn tỉnh là 310 tỷ đồng, giảm 2,4% so cùng kỳ năm trước và giảm 5,7% so với thời điểm cuối năm 2014, nhưng tăng 1,5% so với tháng trước, chiếm tỷ trọng 0,68%/tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ giảm 0,17% so cùng kỳ năm trước và giảm 0,08% so với thời điểm cuối năm 2014, nhưng tăng 0,01% so với tháng trước.

Có thể nói, trong thời gian qua dưới sự chỉ đạo điều hành từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) rất tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Ngân hàng Nhà nước tỉnh duy trì lịch sinh hoạt hàng tháng với các ngân hàng, kịp thời nắm bắt tình hình cũng như phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng-DN. Một trong những giải pháp căn bản mà ngành Ngân hàng thực hiện là điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đã thực sự mang lại hiệu quả tích cực cho DN, nhất là trong giai đoạn khó khăn về tài chính-kinh doanh, đồng thời giảm bớt áp lực nợ xấu gia tăng cho chính ngân hàng khi có một bước đệm thời gian cần thiết. Đi vào cụ thể, tính đến đầu tháng 6-2015, các NHTM đã điều chỉnh giảm lãi suất các khoản cho vay cũ cho 61.902 khách hàng (trong đó có 1.707 DN), với dư nợ được điều chỉnh là 20.699 tỷ đồng (khách hàng DN là 12.059 tỷ đồng).

Hiện nay, trong cơ cấu dư nợ tín dụng, dư nợ lãi suất từ 13% trở xuống chiếm đến 99,4% tổng dư nợ (dư nợ lãi suất dưới 9% chiếm 36,3%, dư nợ lãi suất từ 9 đến 11% chiếm 52,2%, dư nợ lãi suất từ 11 đến 13% chiếm 10,9%); dư nợ lãi suất trên 13% chỉ còn chiếm tỷ trọng 0,6% tổng dư nợ. Đến cuối tháng 4-2015, các NHTM đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng với số tiền 2.567 tỷ đồng, số tiền dự phòng cụ thể không phải trích lập do thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 305 tỷ đồng. Về chương trình kết nối NH-DN, đến cuối quý I-2015, doanh số cho vay lũy kế từ đầu chương trình là 19.868 tỷ đồng, doanh số thu nợ lũy kế là 5.343 tỷ đồng, dư nợ 14.525 tỷ đồng; trong đó dư nợ cho vay mới là 11.994 tỷ đồng, dư nợ cơ cấu lại là 2.531 tỷ đồng.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc NHNN tỉnh cho biết: Đây thực sự là vấn đề nội bộ và nằm trong tiến trình tái cơ cấu lại các ngân hàng. Chủ trương này đã có từ năm 2014 nên các NHTM có thời gian chuẩn bị, chủ động dự phòng khi có áp lực nợ xấu gia tăng. Cho tới thời điểm này, phía NHNN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các NHTM tiến hành phân tích tổng hợp các khoản nợ để có phương án xử lý phù hợp theo quy định; xếp loại tài chính các DN có quan hệ vay vốn nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế rủi ro. Mặc dù hiện nay vẫn còn một số khoản nợ chưa xử lý được nhưng tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức khống chế cho phép. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng vẫn tiếp tục xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với cộng đồng DN...

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.