Giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sự thay đổi đáng kể trong một số chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) qua từng năm cho thấy sự cải thiện rõ rệt về môi trường đầu tư ở tỉnh Gia Lai. Điều đó đồng nghĩa chính quyền địa phương đã có sự thay đổi về tư duy một cách tích cực. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng giữa doanh nghiệp và chính quyền vẫn chưa thực sự lắng nghe và thấu hiểu.

Năm 2013, lần đầu tiên, tỉnh ta dẫn đầu khu vực Tây Nguyên trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) với số điểm 56,50, và xếp vị trí 32 trên bảng tổng sắp. Năm 2012, sự tăng trưởng ở một số chỉ số giúp Gia Lai bứt phá với kết quả tăng lên nhiều bậc trong bảng tổng sắp (năm 2010, ở vị trí 50/63 tỉnh thành).

 

Dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng.           Ảnh: L.H
Dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng. Ảnh: L.H

Đáng mừng nhất là chỉ số Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh. Sau nhiều năm tăng-giảm không ổn định thì hiện tại, chỉ số này đã dẫn đầu khu vực Tây Nguyên. Theo những người đứng đầu các doanh nghiệp (DN) dân doanh, đây là chỉ số gần như quan trọng nhất, nó phản ánh sự đánh giá của doanh nghiệp về thái độ của chính quyền tỉnh đối với khu vực kinh tế tư nhân; đo lường tính sáng tạo, sáng suốt của lãnh đạo tỉnh trong việc giải quyết những trở ngại đối với cộng đồng DN tư nhân cũng như khả năng linh động, hỗ trợ DN. Ở chỉ số này, năm 2010, tỉnh ta chỉ đạt… 3,12 điểm (xếp thứ 61/63 tỉnh thành) và tăng lên 4,95 điểm vào năm 2011. Đến năm 2012, ở chỉ số này, Gia Lai đã đứng đầu khu vực Tây Nguyên với 6,22 điểm và năm 2013 là 5,68-vẫn cao hơn nhiều so với các tỉnh khác cùng khu vực.

Trong thời điểm kinh tế khó khăn thì mọi cơ hội của DN đều rất đáng trân trọng. Khi ăn nên làm ra, DN không chỉ đóng góp cho ngân sách, an sinh xã hội, tạo việc làm cho lao động, tư vấn, góp ý cho tỉnh trong xây dựng chính sách. Thời gian qua, tỉnh ta rất chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông và mở các kênh cung cấp thông tin hoạt động của hệ thống chính quyền, số liệu cơ bản về kinh tế-xã hội, các chính sách mới để DN dễ tiếp cận. Đồng thời, thường xuyên tổ chức đối thoại, tiếp thu ý kiến đóng góp, phản hồi của DN để nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc cũng như mong muốn của DN để có giải pháp tháo gỡ, giúp các DN sản xuất kinh doanh ổn định. Tại các buổi gặp gỡ với lãnh đạo chính quyền địa phương, hầu hết các DN đều thể hiện sự kỳ vọng vào sự năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, nhất là chịu “lắng nghe”, quan tâm đến những phản ánh của DN. Việc nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của DN chính là cách thức tốt nhất để tạo lập niềm tin và tạo thiện cảm của DN với chính quyền.

Mới đây, ông Trần Quốc Khánh-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Gia Lai” do ông làm chủ nhiệm (vừa được bảo vệ trước Hội đồng Khoa học tỉnh ngày 18-3), thông qua việc điều tra ngẫu nhiên 400 DN trên địa bàn tỉnh, đã đề xuất khá nhiều giải pháp cụ thể đối với từng chỉ số PCI nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Trong đó, đáng chú ý là các giải pháp rà soát, điều chỉnh bổ sung và công khai kịp thời các cơ chế, chính sách, các quy hoạch của tỉnh nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho DN, nhà đầu tư tiếp cận các thông tin, tập trung nguồn lực để đầu tư nâng cấp, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, điều chỉnh chính sách đầu tư theo hướng thông thoáng hơn, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư để kêu gọi, vận động đầu tư theo hình thức BOT, BTO và BT, PPP. Bên cạnh đó, cần phân công cơ quan thường trực, đầu mối thường xuyên đón nhận các thông tin và trả lời các yêu cầu, thắc mắc của DN. Cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác hậu kiểm, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các DN. Đặc biệt, tập trung chỉ đạo quyết liệt, đề ra các biện pháp hữu hiệu để nâng cao điểm số các chỉ số của PCI còn đang xếp hạng thấp như: “Gia nhập thị trường”, “Tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất”, “Đào tạo lao động”…

Có thể thấy, các giải pháp trên hoàn toàn có cơ sở và có thể đưa vào áp dụng trong thực tế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Linh Hoàng

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.