Dự án có vốn đầu tư lớn nhất năm 2014: Cái bắt tay của 3 đại gia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Còn nhớ năm 2006 khi cùng lãnh đạo Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Gia Lai thăm doanh nghiệp, ông chủ Tập đoàn HA.GL Đoàn Nguyên Đức rất nhiệt tình cung cấp thông tin tình hình hoạt động của doanh nghiệp, dẫn đi tham quan, lấy tư liệu các cơ sở sản xuất kinh doanh tại Hàm Rồng và không quên ký tặng cuốn sách giới thiệu tổng thể về doanh nghiệp với 8 ngành nghề kinh doanh chủ yếu. Đến nay, chiến lược kinh doanh của HA.GL đã có sự thay đổi với triết lý mới là tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp. Thực ra là từ năm 2008, HA.GL đã áp dụng chiến lược này và đã thành công. Và giữa năm 2014, dự án đầu tư chăn nuôi bò thịt, bò sữa giữa HA.GL-Vissan-Nutifood triển khai tại Gia Lai, một lần nữa khẳng định hướng đi đúng đắn của tập đoàn tên tuổi này.  

Dàn hàng ngang thi công tổng lực

Theo chân ông Nguyễn Ngọc Đính-Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh tham quan dự án nhà máy chế biến sữa tươi 100% tại Khu Công nghiệp Trà Đa, mới thấy không khí lao động tại đây khẩn trương như thế nào. Thực ra không phải từ bây giờ mà từ đầu tháng 9-2014, ai ngang qua Khu Công nghiệp Trà Đa cũng đều ngạc nhiên bởi quy mô của nó. Dự án của Nutifood là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở Khu Công nghiệp Trà Đa với tổng vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng; lao động khi dự án đi vào hoạt động 1.700 người; doanh thu sơ bộ tính trên sản lượng sữa tươi 292 triệu lít/năm là 12.000 tỷ đồng (chưa VAT) và sẽ đạt công suất tối đa sau 3 năm. Nhà máy sẽ sản xuất thử vào tháng 5-2015 và đi vào sản xuất thương mại vào tháng 6-2015.

 

Đại biểu tham quan mô hình chăn nuôi bò sữa HA.GL. Ảnh:Nguyễn Diệp
Đại biểu tham quan mô hình chăn nuôi bò sữa HA.GL. Ảnh: Nguyễn Diệp

Liên lạc với Giám đốc Chi nhánh Nutifood Gia Lai (đang bận công tác tại TP. Hồ Chí Minh), ông Nguyễn Văn Trúc cho biết lúc này nhà máy đang triển khai nhiều hạng mục cùng lúc, với quyết tâm cao nhất có thể. Thuận lợi là nhà máy được giao mặt bằng sạch, ở gần trung tâm TP. Pleiku, hạ tầng Khu Công nghiệp Trà Đa khá hoàn chỉnh, điện, nước đầy đủ. Buổi đầu tuy gặp một số vướng mắc nhưng Công ty và các bên liên quan kịp thời giải quyết, tránh ảnh hưởng đến tiến độ.

Còn với phía HA.GL, hiện trên 2.000 con bò (hơn 200 con bò sữa) chất lượng cao có nguồn gốc từ Australia, New Zealand đã nhập về trang trại đứng chân tại xã Đak Yă (huyện Mang Yang) và được nuôi dưỡng, chăm sóc trong điều kiện tốt nhất. Nhìn từ xa, hàng dãy trang trại xây dựng khang trang bao quanh bởi hệ thống hàng rào nghiêm ngặt, đảm bảo tiêu chuẩn do nhà cung cấp con giống quy định, đặc biệt là khâu vệ sinh chuồng trại. Hàng trăm lao động chăm sóc, nuôi dưỡng bò đều được tập huấn cẩn thận từ Thái Lan và đang đảm đương tốt nhiệm vụ. Hiện đàn bò đang sinh trưởng và phát triển tốt, hoàn toàn phù hợp với điều kiện nuôi dưỡng ở vùng cao nguyên miền Nam Việt Nam, đang chờ phục vụ nguyên liệu cho nhà máy chế biến sữa tươi 100% của Nutifood.

Tương lai rộng mở 

 

Nhà máy chế biến thức ăn cho bò.  Ảnh:Nguyễn Diệp
Nhà máy chế biến thức ăn cho bò. Ảnh: Nguyễn Diệp

Từ nhiều năm trước, HA.GL đã âm thầm, khi công khai tuyên bố sẽ cơ cấu lại tập đoàn, các ngành kinh doanh đang có, chấp nhận rời bỏ bất động sản để chuyển hướng chiến lược sang lĩnh vực nông nghiệp bền vững. Là doanh nghiệp sinh ra và phát triển gắn liền với mảnh đất Gia Lai ân tình nên cùng với chính sách dành nhiều ưu đãi của tỉnh, HA.GL cũng nhận thấy trách nhiệm vì sự phát triển của địa phương. Tiếng nói chung ấy nhanh chóng đưa đến kết quả là hàng loạt dự án của HA.GL trên đất Gia Lai được triển khai và phát huy hiệu quả, cũng như với các dự án khác trên dặm dài đất nước, vươn sang các nước trong khu vực.

Chưa dừng lại ở đó, nhận thấy tỉnh nhà còn nhiều tiềm năng lợi thế rừng, đất rừng, đồng cỏ thuận lợi cho chăn nuôi gia súc lớn, phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm cũng như góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững, HA.GL đã chủ động thuê tư vấn điều tra khảo sát lập dự án trình các cơ quan, UBND tỉnh cho phép triển khai thực hiện. Kết quả UBND tỉnh ban hành Công văn 1769/UBND-NL ngày 20-5-2014 đồng ý chủ trương cho phép Công ty cổ phần HA.GL đầu tư dự án chăn nuôi bò thịt, bò sữa, chế biến sữa, thịt, thức ăn gia súc, sản xuất phân bón và trồng cây hồ tiêu.

Dự án này có tổng vốn đầu tư 16.138 tỷ đồng; tổng đàn bò thịt và bò sữa 236 ngàn con (116 ngàn bò thịt); trồng cỏ để chăn nuôi gắn với các trang trại có diện tích đất sử dụng ban đầu 4 ngàn ha (3.400 ha để trồng cỏ, đầu tư hạ tầng phục vụ chăn nuôi 600 ha); Nhà máy chế biến sữa công suất 500 triệu lít/năm; Nhà máy chế biến thịt gia súc công suất 78 ngàn tấn/năm; Trang trại bò sữa tại thị trấn Ia Pa (huyện Ia Pa); Trang trại bò thịt tại Đak Pơ (huyện Đak Pơ); Nhà máy chế biến sữa tại Khu Công nghiệp Trà Đa (7 ha) cách trang trại bò sữa 40 km.

 

Trang trại bò HA.GL tại xã Đak Yă (huyện Mang Yang). Ảnh:Nguyễn Diệp
Trang trại bò HA.GL tại xã Đak Yă (huyện Mang Yang). Ảnh: Nguyễn Diệp

Tiếp đó, từ đề nghị của HA.GL và trực tiếp là Nutifood tại Công văn số 87/2014/CV-NTF ngày 28-5 về việc đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sữa tươi 100% tại Gia Lai, UBND tỉnh Gia Lai đã có Công văn 2034/UBND-KTTH ngày 6-6 đồng ý cho phép Nutifood xây dựng nhà máy chế biến sữa tươi 100% tại Khu Công nghiệp Trà Đa.

Sau các văn bản có tính pháp lý quan trọng nói trên, ngày 9-6-2014 tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ ký kết hợp tác kinh doanh 3 bên giữa Công ty cổ phần HA.GL-Công ty cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood (Nutifood)-Công ty TNHH một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) về hợp tác đầu tư dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt và xây dựng nhà máy chế biến. Dự án do HA.GL làm chủ đầu tư có tổng vốn 6.300 tỷ đồng. Tương lai tươi sáng đã mở ra từ cái bắt tay triển khai một dự án quan trọng của 3 đại gia. Không hiểu sao lúc này, tôi lại liên tưởng đến hình ảnh hồn nhiên và trẻ trung của bầu Đức bên những con bò sữa no béo mà báo chí ghi lại-hình ảnh của sự tự tin vì đã đi đúng hướng.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.