Tìm giải pháp thích hợp khi giá cao su đang sụt giảm hiện nay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ đầu năm 2014 đến nay giá cao su sụt giảm mạnh đã ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trồng cao su và thu nhập của các hộ trồng cao su tiểu điền trong tỉnh.
 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Giá cao su Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn của thị trường cao su thế giới. Tổng lượng cao su của chúng ta xuất khẩu chiếm thị phần khoảng 10% của thị trường cao su thế giới. Trong đó những nước có sản lượng lớn là Thái Lan, Indonesia, Malaysia chiếm khoảng 55-60% của thị trường cao su thế giới.

Thời kỳ từ năm 2005 đến 2011, giá cao su liên tục tăng trong đó có giai đoạn là giá ảo đã thúc đẩy nhiều nước mở rộng diện tích cao su. Trong vòng 8 năm (từ 2005-2013), các nước trồng cao su đã trồng mới hơn 2,98 triệu ha, trong đó diện tích tái canh chiếm khoảng 1,54 triệu ha và diện tích mới là 1,44 triệu ha, đưa tổng diện tích cao su thế giới lên 12,5 triệu ha năm 2013.

Cụ thể các nước tăng diện tích trong giai đoạn này là Myanmar đã tăng 431 ngàn ha, Việt Nam tăng 423 ngàn ha, Trung Quốc tăng 224 ngàn ha, Lào tăng 223 ngàn ha, Campuchia tăng 167 ngàn ha, Thái Lan tăng 124 ngàn ha và Ấn Độ tăng 112 ngàn ha.

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Suy thoái kinh tế toàn cầu chưa phục hồi thì thế giới lại hứng chịu những thảm họa của thiên tai vào năm 2011, thảm họa động đất, sóng thần tại Nhật và lũ lụt tại Thái Lan cùng với sự suy yếu của kinh tế châu Âu đã làm cho nhu cầu cao su tăng trưởng chậm từ năm 2012. Trong khi đó, diện tích trồng mới từ năm 2005 bắt đầu được thu hoạch, đẩy sản lượng cao su tăng nhanh vượt hơn nhu cầu và làm cao su dư thừa liên tiếp trong những năm gần đây.

Năm 2013, sản lượng cao su thiên nhiên thế giới đạt 12,04 triệu tấn, mức tiêu thụ chỉ đạt 11,4 triệu tấn, dư thừa 644 ngàn tấn và làm “cung” vượt “cầu” trong 3 năm liên tiếp lên hơn 1,4 triệu tấn, trong đó tổng lượng cao su dự trữ tại Trung Quốc vào cuối năm 2013 còn tồn hơn 600 ngàn tấn, là mức cao nhất so với trước đây.

Giá cao su thiên nhiên đã giảm mạnh từ đầu năm 2014 đến nay trên thị trường thế giới do nhu cầu tiêu thụ tăng trưởng chậm trong khi nguồn cung lại tăng nhanh hơn, làm lượng tồn kho quá cao, tạo áp lực đẩy giá cao su giảm liên tục từ năm 2012 kéo sang năm 2014 và nhu cầu nhập khẩu một số nước công nghiệp phát triển thuộc nhóm G và G26 như: Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ chững lại.

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, 6 tháng đầu năm 2014 xuất khẩu cao su Việt Nam đạt 337.000 tấn với giá trị đạt 644 triệu USD, giảm 11,7% về khối lượng và giảm 33% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Giá xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2014 đạt 1.842 USD/tấn, giảm 28,9% so với cùng kỳ năm 2013.

Hiện nay, với mức giá bán bình quân thấp, xấp xỉ khoảng 30 triệu đồng/tấn làm cho các doanh nghiệp và những hộ tiểu điền trồng cao su gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt đối với những hộ tiểu điền có quy mô nhỏ, trên những vườn năng suất kém do cây già cỗi hoặc trồng không đúng quy trình kỹ thuật đã chặt bỏ cây cao su để chuyển sang trồng các loại cây khác như: cà phê, tiêu, chanh dây,…

Tại tỉnh Gia Lai tính đến năm 2013 có 105.780 ha cao su và 9 tháng năm 2014 giảm còn lại là 102.900 ha. Trong đó thanh lý là 5.034,03 ha, trong diện tích thanh lý này đã trồng lại 2.370,94 ha (doanh nghiệp là 2.179,74 ha, nhân dân là 191,2 ha) còn lại chuyển sang trồng cỏ và xây dựng các dự án chăn nuôi bò thịt, bò sữa là 1.894,4 ha. Chuyển cây trồng khác là 769 ha.

Với sự phục hồi yếu ớt của nền kinh tế thế giới. Những bất ổn về chính trị, sự xung đột vũ trang của các nhóm Hồi giáo cực đoan, dịch bệnh… đã làm cho các nước phải đối mặt với những khó khăn thách thức mới.

Mặt khác một số nước chấp nhận tăng trưởng GDP thấp để tái cấu trúc nền kinh tế chuẩn bị cho chu kỳ phát triển mới nên sản xuất công nghiệp bị chững lại. Sản phẩm cao su phục vụ chủ yếu cho công nghiệp do đó cũng sẽ ảnh hưởng theo.

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Với tình hình đó thì cao su trong giai đoạn 2015-2016 vẫn còn khó khăn do “cung” vượt “cầu”, thị trường bị thu hẹp. Các ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp sản xuất cao su phục hồi và tăng trưởng chậm.

Bất kỳ một sản phẩm nào cũng sẽ có biến động về giá cả lúc cao lúc thấp, nó chi phối bởi các quy luật kinh tế cơ bản như quy luật giá trị và quy luật thị trường. Giá cả các mặt hàng không phải là đường tuyến tính mà là đường phi tuyến theo dạng hình Sin có chu kỳ dài ngắn khác nhau. Vấn đề ở chỗ người làm ra sản phẩm đó phải ứng phó như thế nào khi thị trường có chiều hướng không thuận lợi. Trong điều kiện như hiện nay cần thiết phải có sự hỗ trợ của các cấp điều hành vĩ mô thông qua các công cụ điều hành như có những gói tín dụng lãi suất thấp hoặc có biện pháp dự trữ để góp phần ổn định phần nào  giá cả trên thi trường hiện nay.

Theo dự báo của Viện nghiên Cứu cao su thế giới (International Rubber Study Group) thì những khó khăn mà nhà sản xuất cao su đã phải gánh chịu đã đi qua gần một nửa chặng đường, trong đó năm 2014 vẫn là năm “cung” vượt “cầu” cao. Cũng trong thời gian này chúng ta phải chuẩn bị tốt hơn về các mặt như: trồng các loại giống cao su có năng suất cao, cơ cấu sản phẩm phù hợp, đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nhất là phải tăng năng suất lao động bằng con đường cơ giới hóa nhằm hạ giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường, ưu tiên thị trường truyền thống và phát triển các thị trường mới.

Gia Lai có bản đồ quy hoạch các loại cây trồng chủ lực như: cao su, cà phê, tiêu, mía… rất khoa học và hợp lý. Trong đó cao su tính đến ngày 31-12-2013 là 105.064 ha, cà phê là 78.030 ha, tiêu là 10.149 ha… Do giá cả thăng trầm của các loại sản phẩm trong từng thời kỳ dẫn đến sự tự phát làm tăng tỷ lệ từng loại trong cơ cấu các loại cây trồng như hiện nay cây tiêu đang phát triển mạnh ở một số vùng. Với giá bán cao su như hiện nay hầu hết doanh nghiệp nhà nước trồng cao su hòa vốn hoặc có lãi ở mức thấp. Do còn phải có các công trình phúc lợi công cộng như điện, đường, trường, trạm, nhà trẻ mẫu giáo… và những công trình dân sinh khác. Chắc chắn các doanh nghiệp tư nhân và hộ tiểu điền vẫn còn có lãi tuy không cao như những năm trước đó.

Chúng ta tin tưởng rằng sau thời kỳ sụt giảm sẽ đến thời kỳ phục hồi và phát triển, một vấn đề có tính quy luật là chu kỳ sau lúc nào cũng phát triển mạnh mẽ hơn chu kỳ trước.

TS. Lê Đức Tánh

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.