Bài 2: Kẽ hở để hàng hóa thẩm lậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có nhiều nguyên nhân khiến hàng ngoại nhập lậu vẫn có “đất sống” trên thị trường, đó là: sự đơn điệu về mẫu mã chủng loại và đắt đỏ của hàng nội địa; sự quản lý lỏng lẻo của một số đơn vị chức năng, thêm vào đó là đặc điểm địa lý, đường biên giới dài.

Sức cạnh tranh của hàng Việt chưa cao

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động đến nay đã được 5 năm, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Cuộc vận động bước đầu đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo tầng lớp nhân dân và các doanh nghiệp, mang lại hiệu quả nhất định và có sức lan tỏa sâu rộng. Tuy nhiên, kết quả của cuộc vận động vẫn còn khá khiêm tốn, nhất là đối với một tỉnh miền núi như Gia Lai. Trên thực tế, ngoại trừ siêu thị và một số đại lý, nhà phân phối có tỷ lệ hàng Việt cao (khoảng 80%) còn đa số tại các chợ, các cửa hàng, tiệm tạp hóa… hàng Việt chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, nhất là khu vực nông thôn.

 

Chương trình hàng Việt về nông thôn có doanh thu rất thấp. Ảnh: Lê Lan
Chương trình hàng Việt về nông thôn có doanh thu rất thấp. Ảnh: Lê Lan

Trong 5 năm (2009-2014) triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, tỉnh đã tổ chức được 27 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, chỉ có 229 lượt doanh nghiệp tham gia, tổng mức doanh thu chỉ đạt 3,47 tỷ đồng. Nếu chia tổng mức doanh thu trên bình quân cho 27 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn thì mỗi phiên chợ chỉ đạt doanh thu 128,5 triệu đồng…

Khảo sát cho thấy hàng ngoại chiếm một tỷ lệ không nhỏ trên thị trường, nhất là đối với các mặt hàng quần áo thời trang, trái cây, đồ điện tử của Trung Quốc; hóa mỹ phẩm Thái Lan hay bánh kẹo Đan Mạch và rất nhiều mặt hàng có xuất xứ từ nước ngoài khác... Những mặt hàng này được bày bán khá phổ biến, từ cửa hàng lớn cho đến các tiệm nhỏ, từ thành thị đến nông thôn, đáp ứng phần đông thị hiếu người tiêu dùng… Chị Trần Thị Đan Phương-công tác tại Chi nhánh Ngân hàng Công thương Gia Lai, chia sẻ: Phụ nữ thường rất thích mua sắm, nhất là mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép, túi xách... Tiêu chí của mình là hàng phải có mẫu mã đẹp, thời trang và hợp lý về giá cả mà điều này hàng Việt rất ít khi đáp ứng được do mẫu mã quá đơn điệu nếu là hàng có chút thương hiệu thì giá “trên trời” còn hàng chợ thì chất lượng lại quá tệ. Vì vậy, mình thường lựa chọn hàng ngoại, tùy từng loại có thể là hàng Thái Lan hoặc Trung Quốc.

Bất cập trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường

Theo ông Nguyễn Xuân-Phó Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum thì vướng mắc hiện nay của đơn vị đó là vấn đề xử phạt hành chính, do các đối tượng vi phạm khi bị lực lượng phát hiện đã bỏ hàng chạy thoát thân hoặc cố tình khai tên giả, khám xét thì trên người không có giấy tờ tùy thân… Vì thế, hầu hết các vụ buôn lậu do đơn vị xử lý đều ghi vắng chủ. Còn theo thông tin của Bộ đội Biên phòng tỉnh thì việc quản lý đường biên cũng vấp phải khó khăn do một số đối tượng là người địa phương sống gần biên giới thường lợi dụng đi rẫy hoặc đi thuyền trên sông qua Campuchia để vận chuyển hàng lậu, nhất là khu vực làng Bi (xã Mook Đen, huyện Đức Cơ), xã Ia O (huyện Ia Grai). Đặc biệt, các đối tượng buôn lậu gỗ thường sử dụng xe hết niên hạn sử dụng hoặc xe độ chế để vận chuyển, thậm chí còn làm nhiễu thông tin bằng cách báo tin giả gây khó cho lực lượng kiểm lâm…

 

Cán bộ Quản lý Thị trường kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh. Ảnh: Lê Lan
Cán bộ Quản lý Thị trường kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh. Ảnh: Lê Lan

Bên cạnh đó, tình trạng bùng nổ và phát triển rầm rộ của thương mại điện tử (kinh doanh trên mạng internet) nhưng lại thiếu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng đã tạo kẽ hở cho việc tuồn hàng giả vào để bán. Rất nhiều người tiêu dùng bị lừa đảo, thậm chí “tiền mất, tật mang” mà chẳng biết kêu ai.

Ngoài ra, sự thiếu chặt chẽ trong công tác phối hợp, công tác xử lý tài sản, tang vật vi phạm giữa các ngành, các cấp cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Rất nhiều ý kiến cho rằng trong khi phối hợp tổ chức đoàn liên ngành một vài đơn vị thành viên được mời, có tên trong quyết định thành lập đoàn hẳn hoi nhưng “kêu bận” không tham gia hoặc có đi nhưng chỉ để… “đẹp đội hình” chứ không thực hiện nghiệp vụ cụ thể nào cả. Đặc biệt là việc không được hỗ trợ, thanh toán các chi phí trong quá trình theo dõi, phục bắt các vụ vi phạm và không được tham gia vào công việc bán đấu giá tài sản, tang vật vi phạm, thậm chí kết quả đấu giá như thế nào cũng không được biết khiến nhiều đơn vị nản không nhiệt tình trong công tác kiểm tra, kiểm soát vì không biết kết quả những ngày “ăn rừng, ngủ rừng” bất chấp khó khăn nguy hiểm của mình về đâu?

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.