Nông dân điêu đứng vì tiêu chết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau nhiều ngày mưa kéo dài trong tháng 7, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Đức Cơ đã phải đối mặt với tình trạng tiêu chết hàng loạt. Năm nay, xuất hiện cả tiêu non bị nhiễm bệnh chết và diễn biến dịch bệnh có sự thay đổi làm cho người trồng tiêu lúng túng.


Chết cả tiêu non

Sau gần một tháng mưa, dù đã dự lường trước nguy cơ úng ngập cây tiêu, dễ bị chết hàng loạt bởi bệnh tiêu chết nhanh và đã chủ động khơi mương kỹ lưỡng cho hơn 400 trụ tiêu trong vườn nhưng chỉ sau khi trời chuyển nắng chừng một tuần, vườn tiêu nhà ông Kpuih Blin (làng Lung 2-xã Ia Kriêng-huyện Đức Cơ) ngả vàng và héo rũ, chết gần hết. Năm ngoái, vườn tiêu khoảng gần 400 gốc sắp đến kỳ cho thu hoạch cũng lần lượt chết trụi, chỉ còn vài ba trụ may mắn sống sót. “Tiêu chết liên tục như này, quả thưc tôi đã thấy… sợ cây tiêu”- ông Blin, nói trong lo lắng.

 

Vườn tiêu bị chết trơ trụi. Ảnh: Lê Hòa
Vườn tiêu bị chết trơ trụi. Ảnh: Lê Hòa

Không riêng gì vườn tiêu nhà ông Blin mà nhiều vườn tiêu khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Hộ bà Phạm Thị Bắc (trú thôn Lâm Tốk-xã Ia Dơk-huyện Đức Cơ) cũng điêu đứng vì chỉ trong vòng nửa tháng, gần 100 trụ tiêu kinh doanh đang tươi tốt bỗng vàng lá, héo rũ và chết sạch. “Tôi đang rất lo lắng bởi 200 trụ tiêu mới trồng cũng đang có dấu hiệu vàng lá, không biết sẽ thế nào?”- bà Bắc nói. Bà Bắc cho biết thêm, trong thôn bà cũng có rất nhiều hộ trồng tiêu đang điêu đứng vì tiêu chết. Có hộ đã chết đến vài trăm trụ dù mới đến giữa tháng 8, thông thường thời điểm tiêu chết mạnh là vào cuối mùa mưa.

Theo nhiều người trồng tiêu, điều khá lạ là năm nay, tiêu non mới trồng 1-2 năm cũng lọt “vòng nguy hiểm” của dịch bệnh và bị chết. “Thông thường, tiêu trong giai đoạn sắp bước vào thời kỳ thu hoạch hoặc đang tiêu trong giai đoạn kinh doanh mới hay bị chết. Năm nay không hiểu sao tiêu non, mới trồng cũng bị chết hàng loạt?”- bà Bắc, chia sẻ.

Một số người trồng tiêu còn đặt giả thuyết do chất lượng giống cung ứng, thậm chí cũng có thể là chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh tiêu chết nhanh (?).

 

Đã làm rất nhiều cách, ông Blin vẫn không thể cứu vãn được các gốc tiêu liên tục chết vì bệnh chết nhanh. Ảnh: Lê Hòa
Đã làm rất nhiều cách, ông Blin vẫn không thể cứu vãn được các gốc tiêu liên tục chết vì bệnh chết nhanh. Ảnh: Lê Hòa

Vẫn là bệnh cũ

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Nguyễn Quốc Tư-Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ, cho biết: Tình trạng tiêu chết đã xuất hiện tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện như Ia Lang, Ia Krêl, Ia Kriêng, thị trấn Chư Ty…, trong đó có nhiều diện tích tiêu non. Theo nhận định của chúng tôi, tiêu chết đa phần vẫn là bởi bệnh chết nhanh. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng sâu bệnh này là bởi thời tiết mưa nhiều kéo dài, độ ẩm không khí cao…

Cách đây 2 năm, Phòng đã lấy mẫu tiêu chết đi phân tích, xét nghiệm và xác định, nguyên nhân gây bệnh này trên cây tiêu chính là do nấm Phytophthora. Đây là loại nấm chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu mà mới chỉ có thể hạn chế phần nào khả năng gây hại.

Ông Tư cũng nhấn mạnh tới những diễn biến bất thường của dịch bệnh này trên cây tiêu. “Điều khác biệt so với trước đây là bệnh này gây hại ngay cả với tiêu non. Qua kiểm tra tình hình tại một số vườn tiêu của nhân dân cho thấy, diễn biến bệnh chết nhanh trên cây tiêu năm nay có nhiều diễn biến khác thường so với quy luật”- ông Tư nói. Theo ông Tư, thông thường trước đây bệnh chết nhanh sẽ diễn biến từ gốc và rễ, tức là thối rễ rồi lan dần lên và làm chết cây; còn năm nay chu trình này bị đảo ngược lại, bắt đầu từ thối nhũn lá, lây lan qua cành, dây… và làm chết toàn bộ trụ tiêu.

 

Bệnh chết nhanh trên cây tiêu năm nay có nhiều diễn biến khác quy luật. Tiêu bị chết từ lá, cành sau đó nhiễm ngược xuống gốc, rễ. Ảnh: Lê Hòa
Bệnh chết nhanh trên cây tiêu năm nay có nhiều diễn biến khác quy luật. Tiêu bị chết từ lá, cành sau đó nhiễm ngược xuống gốc, rễ. Ảnh: Lê Hòa

Trước tình hình trên, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ đã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ Thực vật cùng các địa phương tuyên truyền, khuyến cáo người dân nên thường xuyên kiểm tra, thăm nom vườn tiêu để phát hiện bệnh kịp thời. Khi phát hiện dấu hiệu bệnh, người dân nên cắt bỏ phần tiêu nhiễm bệnh để cách ly và tiêu hủy, sau đó sử dụng thuốc hóa học Rildomin 68WG để phun phòng trừ bệnh. Sau khi xử lý xong chừng 20-25 ngày, sử dụng men vi sinh để bón cho cây tiêu.

Trước ý kiến đặt vấn đề tiêu chết, liệu có hay không nguyên nhân ảnh hưởng từ chất lượng giống và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ông Tư cho rằng, rất khó để coi đây là nguyên nhân bởi theo kết quả của các đợt kiểm tra chất lượng, đánh giá phân loại 30 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp hiện có trên địa bàn huyện đều chưa phát hiện trường hợp vi phạm. “Thông thường nếu dùng giống không đảm bảo chất lượng để ươm trồng sẽ rất khó bởi chính người ươm cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ tỷ lệ thành công không cao, trong khi người mua tất nhiên phải lựa chọn cây giống tốt, mập, chắc và khỏe để gieo trồng, do vậy rất khó khoanh vùng nguyên nhân ở chất lượng giống”- ông Tư, giải thích.

“Tôi cho rằng, chính điều kiện thời tiết không thuận lợi đi kèm với trình độ, kỹ thuật trồng và chăm sóc tiêu của người dân còn hạn chế là nguyên nhân chính dẫn tới dịch bệnh”- ông Tư, nêu quan điểm.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.