Krông Pa quyết tâm thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là huyện thuần nông nên sản xuất nông nghiệp có vai trò rất quan trọng đối với huyện Krông Pa. Đáng mừng là với sự quan tâm chăm lo của các ngành, các cấp, Krông Pa đã xây dựng được nhiều công trình thủy lợi phục vụ nước tưới nông nghiệp. Có thể nói lãnh đạo huyện này đã đi trước một bước so với nhiều địa phương khi “tranh thủ” hiện thực hóa “giấc mơ” làm thay đổi huyện nghèo bằng những công trình như thế. Và khi đã “hòm hòm” chặng đường dài bằng một nhiệm kỳ, một kế hoạch 5 năm, dẫu chưa thật hài lòng nhưng nhìn lại mới thấy sự nỗ lực phấn đấu lớn đến mức nào.

Ảnh: Quang Tấn
Ảnh: Quang Tấn

Các xã xa xôi như: Đất Bằng, Krông Năng... đã có đường về đến tận trung tâm xã, trụ sở xã xây dựng khang trang. Điện, đường, trường, trạm… làm cho bộ mặt địa phương, vùng sâu, vùng xa chuyển biến rõ rệt. Cùng với việc phát triển cơ sở hạ tầng, ngày càng nhiều doanh nghiệp (DN) phục vụ sản xuất nông nghiệp hình thành. Hàng chục DN hoạt động trên nhiều lĩnh vực: kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi, chế biến mì, vật liệu xây dựng... Nhiều trang trại với các mô hình tổng hợp hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều.

Bí thư Huyện ủy Krông Pa Nguyễn Duy Anh-nhìn nhận: Thành quả nổi bật trong nhiệm kỳ qua là nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án và phát huy nguồn lực địa phương, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện đã có những tiến bộ và chuyển biến rõ nét. Các chương trình mục tiêu quốc gia mang lại hiệu quả thiết thực như chương trình xây dựng nông thôn mới, 30B (huyện nghèo), giảm nghèo bền vững, 135 giai đoạn III, văn hóa, y tế, giáo dục… Vấn đề hiện nay là làm thế nào để triển khai thực hiện nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho hiệu quả, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh thuốc lá 2 ngàn ha, mì 8.200 ha, mía 5 ngàn ha-là 3 loại cây trồng chủ yếu; đàn bò 60 ngàn con (13% lai).

Trò chuyện cùng các đồng chí lãnh đạo huyện mới thấy quyết tâm thoát khỏi huyện nghèo, vươn lên mức trung bình và trở thành khá-nung nấu tâm trí họ đến mức nào? Mặc dù có nhiều diện tích đất nông nghiệp, có rừng, nhưng thời tiết khắc nghiệt, đất đai bạc màu, trình độ dân trí hạn chế, giao thông chưa thuận tiện, điều kiện sản xuất nông nghiệp khó khăn nên tiềm năng của huyện chưa được khai thác, phát huy. Và mấu chốt của vấn đề đã được xác định: giải quyết tốt vấn đề thủy lợi và giao thông là khâu quyết định để Krông Pa khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế hàng hóa, cải thiện đời sống nhân dân.

Krông Pa có tổng diện tích nông nghiệp khoảng 39 ngàn ha (vụ Đông Xuân 9 ngàn ha). Để khai thác tiềm năng đất đai, thông qua công tác điều tra, quy hoạch, cơ cấu sản xuất nông nghiệp của huyện đã dần sáng rõ và ổn định, làm cơ sở triển khai các kế hoạch, chương trình, đề án cụ thể. Sau nhiều năm, toàn huyện có 8.200 ha mì, 2 ngàn ha thuốc lá, 5 ngàn ha mía, 2 ngàn ha lúa nước 2 vụ, 6 ngàn ha bắp… Đây là những cây trồng chủ yếu, ổn định và cho năng suất, sản lượng, hiệu quả khá tốt, có ý nghĩa quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ và có khả năng làm giàu.

Lấy ví dụ như xã Phú Cần. Xã nằm về phía Nam, cách thị trấn Phú Túc 2 km. Xã có  trên 5 ngàn dân sinh sống ở 8 thôn buôn (4 thôn dân tộc thiểu số). Ông Hoàng Sơn La-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho biết: Xã có diện tích sản xuất nông nghiệp trên 2 ngàn ha, chủ yếu là bắp lai, mì, cây có giá trị hàng hóa cao là thuốc lá với trên 400 ha. Cây thuốc lá vụ vừa rồi cho năng suất 3 tấn/ha và đạt giá trị trên 100 tỷ đồng/năm. Nhiều gia đình làm giàu từ cây thuốc lá sợi vàng, như: gia đình ông Nguyễn Văn Tập ở thôn Hưng Hà, trồng 3 ha, thu trên 10 tấn; Hoàng Văn Đạo (thôn Bình Minh) trồng trên 3 ha, thu trên 10 tấn. Điều đáng nói là gần đây người trồng cây thuốc lá phải chịu giá đầu vào khá cao nhưng đầu ra lại thấp. Thời điểm này thuốc lá có giá 51-52 ngàn đồng/kg, lúc cao điểm là 58 ngàn đồng/kg. Phú Cần hiện đã đạt 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 2 tiêu chí còn lại xã đang nỗ lực phấn đấu là môi trường và tỷ lệ hộ nghèo.

Thừa hưởng công trình thủy lợi đưa vào sử dụng năm 2010, kênh chính, kênh nhánh được xây dựng nên nhiều diện tích cây trồng của xã Ia mlah đã chủ động nước tưới. Hàng trăm ha mía, lúa trước đây khát khô giờ đã được tưới mát, cho năng suất, sản lượng khá cao. Cũng từ công trình thủy lợi này mà hệ thống giao thông của xã cũng được đầu tư với hơn 16 km đường liên xã được nhựa hóa, rồi trên 15 km đường liên thôn được bê tông hóa… Chủ động nguồn nước, giao thông thuận tiện nên đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân nâng lên thấy rõ, thu nhập đầu người tăng lên trên 10 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần. Phú Cần và Ia Mlah là những xã đi đầu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của huyện.

Đã thấy rõ hướng đi, hướng phát triển. Vấn đề còn lại là huyện nhà có giải pháp, chính sách phù hợp để sớm đến đích mà mình đã vạch ra.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.