Cần cơ chế quản lý phù hợp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn luôn là vấn đề được sự quan tâm của các cấp, các ngành và người dân. Việc triển khai thực hiện chương trình này những năm qua đã có đóng góp tích cực, nâng cao nhận thức cho nhân dân, giải quyết nhu cầu nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa khó khăn về nước sinh hoạt.

Bài 1: Đưa nước sạch về nông thôn

80% người dân nông thôn sử dụng nước sạch
 

Nước sạch về tận buôn làng. Ảnh: Đức Thụy
Nước sạch về tận buôn làng. Ảnh: Đức Thụy

Theo báo cáo của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, kết thúc Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS và VSMTNT) giai đoạn 2006-2010, khoảng 80% người dân  nông thôn được sử dụng nước sạch, 80% trường học và 91% trụ sở xã có công trình cấp nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh.

Bằng nguồn vốn của chương trình quốc gia và tranh thủ nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế như UNICEF, ADB (Ngân hàng phát triển châu Á)..., Trung tâm NS và VSMTNT và Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã xây dựng các công trình cung cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh, thu được kết quả đáng kể, góp phần cải thiện đời sống cho người dân địa phương.

Ông Nguyễn Hữu Tâm- Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê nhận xét: Tỷ lệ người dân trên địa bàn huyện sử dụng nước hợp vệ sinh ngày càng cao, giảm thiểu tình trạng sử dụng nước sông, suối để sinh hoạt hàng ngày.

Để nâng cao hiệu quả chương trình, tỉnh đã huy động nội lực trong dân, bố trí vốn đối ứng của địa phương và vốn từ các dự án, đầu tư xây dựng các công trình nước sạch cho các làng, các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với nỗ lực đó, chương trình đã giải quyết được cơ bản vấn đề nước sinh hoạt cho các vùng thiếu nước sinh hoạt trọng điểm của tỉnh, cải thiện vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe cộng đồng và góp phần xóa đói giảm nghèo cho các vùng khó khăn.

Chương trình cũng đã tạo được hàng ngàn mô hình cấp nước tập trung với quy mô vừa và nhỏ như giếng khoan, nước tự chảy phù hợp với trình độ quản lý và tập quán của người dân địa phương. Vận động nhân dân đóng góp xây dựng nhà vệ sinh, chuồng trại gia súc để xử lý chất thải trong chăn nuôi. Các công trình cấp nước tập trung đã góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới.

Ý thức của người dân được nâng cao

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Nước và vệ sinh môi trường là hai yếu tố tác động trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng. Nước bẩn không đảm bảo vệ sinh là môi trường làm lây lan mầm bệnh, tác động xấu đến sức khỏe của con người. Bảo vệ nguồn nước và môi trường là tự bảo vệ chính bản thân mình và cộng đồng. Đợt giám sát vừa qua cho thấy, người dân vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã ý thức được việc sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày để đảm bảo cho sức khỏe của chính họ.
 

Từ năm 2009 đến 2012, trên địa bàn tỉnh đã xây mới và nâng cấp 38 công trình cấp nước tập trung, cấp nước cho 86 trường học, cấp nước cho 40 trạm y tế. Tổng kinh phí thực hiện chương trình đạt trên 87 tỷ đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 72 tỷ đồng, ngân sách địa phương 7,7 tỷ đồng và nhân dân đóng góp 7,2 tỷ đồng.

Chị Nay H’Đôn, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa nói: “Ngày nay không còn tình trạng người dân lấy nước từ suối về để nấu ăn nữa mà chỉ sử dụng nước từ công trình đưa về đến từng hộ dân”. Còn anh Ksor Doang, cũng ở xã Ia Rtô thì cho biết: “Không sợ thiếu nước vào mùa khô nữa. Nước máy sạch lắm, không ô nhiễm như nước sông, suối.

Khi chưa có hệ thống nước sạch do Nhà nước đầu tư, hàng ngày bà con phải đi lấy nước sông Ba về dùng. Nay nước sạch đã về tận nhà, không còn lo mắc bệnh đường ruột, bệnh ngoài da nữa”. Cùng chung nhìn nhận này, ông Hồ Văn Diện-Phó Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa khẳng định: Người dân ngày nay đã ý thức được việc sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, xử lý chất thải chăn nuôi tốt, bảo vệ môi trường sinh thái và cuộc sống quanh mình.

Ông Bùi Văn Tam- Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết: Việc kêu gọi làm thay đổi hành vi, hình thành thói quen sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, bảo vệ môi trường chống tác hại của biến đổi khí hậu là cần thiết, quan trọng và phải làm thường xuyên. Các công trình đưa vào vận hành đã được chính quyền tuyên truyền hướng dẫn người dân bảo dưỡng và sử dụng hiệu quả.

Việc đưa nước sạch và đảm bảo vệ sinh môi trường sống không chỉ giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt, bảo vệ sức khỏe người dân, mà còn ổn định và từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.

Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.