Liên kết để phát triển “kinh tế xanh”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tây Nguyên là vùng đất huyền thoại, nơi sinh ra những con người bất khuất, nơi khởi nguồn của những trường ca, sử thi, nơi bắt đầu của hương vị cà phê quyến rũ, nơi gieo mầm của những cánh rừng cao su bạt ngàn và cũng là nơi nuôi dưỡng những loài hoa tuyệt đẹp… Tiềm năng du lịch ở đây vô cùng to lớn. Liên kết để phát triển du lịch là chủ trương hết sức đúng đắn của chính quyền các tỉnh trong khu vực.

Vùng đất tiềm năng

Tây Nguyên ở vào vị trí trung tâm của miền núi Nam Đông Dương, gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông và Lâm Đồng. Nơi đây có hành lang tự nhiên thông với Nam Lào, Đông Bắc Campuchia; có các cửa khẩu quốc tế trên tuyến hành lang Đông-Tây và không quá xa các cảng biển nước sâu như Dung Quất, Chân Mây, Nhơn Hội. Do những đặc điểm về địa lý, khu vực Tây Nguyên là “ngã ba vàng” để giao thương kinh tế Đông-Tây, đặc biệt nơi đây còn chứa đựng một kho tàng di sản thiên nhiên và văn hóa hết sức đặc sắc.

 

Tiếng cồng chiêng trong ngày hội.                                 Ảnh: Q.H
Tiếng cồng chiêng trong ngày hội. Ảnh: Q.H

Đến với Tây Nguyên là đến với những di tích lịch sử, văn hóa còn lại mãi mãi với thời gian như: Đak Tô-Tân Cảnh, Đồi Không Tên (Kon Tum); Tây Sơn Thượng đạo, Đak Pơ, Ka Nak, Plei Me, Thủy điện Ia Ly, thác Phú Cường (Gia Lai); Thủy Tiên (Đak Lak); Dray Nur, Ba Tầng, Drây Sáp (Đak Nông)…

Vườn Quốc gia Kông Ka King (Gia Lai), Vườn Quốc gia Yok Đôn, Chư Yang Sin (Đak Lak) và Bidoup-Núi Bà (Lâm Đồng), khu Bảo tồn tự nhiên Ngọc Linh (Kon Tum)… là nơi còn lưu giữ nhiều loại động thực vật quý hiếm. Đặc biệt Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (Kon Tum), Kông Ka King (Gia Lai) đã nối liền với “ốc đảo” Mô Rai và Kon Pne. Nơi đây có đồng bào người Bờ Râu, Rơ Mâm, Cà Doong xuống núi lập làng, trồng lúa nước, cao su, cà phê… làm nên một chuyện cổ tích thời hiện đại. Nhiều làng đồng bào dân tộc Bahnar còn nguyên sơ với những ruộng lúa bậc thang, những thác nước quanh năm từ đỉnh Kông Ka King không ngừng đổ nước vào sông Ba thơ mộng tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình lôi cuốn du khách.

Bên cạnh đó, Tây Nguyên còn sở hữu những giá trị văn hóa bản địa đa dạng, phong phú và đặc sắc mà tiêu biểu là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Đây là thuận lợi cơ bản để các địa phương xây dựng những sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa mang bản sắc rất riêng của Tây Nguyên.

Liên kết để phát triển

Tiềm năng là vậy, nhưng do chưa có quy hoạch tổng thể mạnh tự ai nấy làm nên du lịch vùng này còn mang yếu tố tự phát và thiếu tính hệ thống, chưa xác định rõ được những sản phẩm du lịch đặc thù có sức cạnh tranh.

Tận dụng thế mạnh mà thiên nhiên mang lại, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên bước đầu có sự liên kết để phát triển ngành “Công nghiệp không khói”. Ngoài những tour du lịch từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đến từng tỉnh, ngành du lịch các địa phương đã có những hợp đồng du lịch “tour liên kết” như: TP. Hồ Chí Minh đi Đà Lạt, Đak Lak, Gia Lai, Kon Tum và ngược lại; Bình Định đi Gia Lai, Kon Tum, Đak Lak… hàng năm đã thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến với Tây Nguyên, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân sở tại, góp phần xây dựng Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp.

Theo ông Nguyễn Đức Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai, trong khu vực Tây Nguyên, sản phẩm du lịch có nhiều nét tương đồng về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa. Vì vậy, mỗi tỉnh cần xây dựng và lựa chọn một vài loại hình du lịch đặc trưng, tránh sự trùng lắp để định hướng đầu tư và thu hút khách. Trong phát triển “kinh tế xanh” đặc trưng này, ngoại trừ Lâm Đồng đã có “thương hiệu”, các tỉnh còn lại cần tập trung đầu tư một vài điểm nhấn, chẳng hạn ở Đak Nông có nét đẹp và hấp dẫn của thác nước Dray Nur, Ba Tầng, Drây Sáp; Đak Lak có voi Bản Đôn; Gia Lai có làng Văn hóa Đồng Xanh; Kon Tum có khu Du lịch Sinh thái Măng Đen…

Tỉnh Gia Lai còn xác định phát triển du lịch đến năm 2020 là một trong những ngành kinh tế động lực, quan trọng. Thời gian qua, tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng, gìn giữ những danh lam thắng cảnh, những buôn làng văn hóa tiêu biểu như: Làng Ốp, làng Pul, làng Kép và làng Đê Ktu… Đặc biệt bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng, văn hóa truyền thống bản địa như: nhà rông, nhà mồ, nhà sàn, giọt nước… đã hình thành những tour du lịch “làm nông dân Tây Nguyên một ngày”, đưa du khách từ đồng bằng, phố thị về Chư Sê, Chư Prông, Đức Cơ để hái tiêu, cà phê.

Đưa thanh niên, học sinh về Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai để “làm cầu thủ một ngày”; đưa du khách về thăm các làng Bahnar, Jrai với những ngôi nhà sàn truyền thống, tham dự đêm lửa trại, uống rượu cần, đánh cồng chiêng, dệt vải thổ cẩm, múa xoang, giao lưu văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số… Năm 2012 đã có trên 190 ngàn du khách đã đến với Gia Lai, tăng 18% so với năm 2011, đã thu hút hơn 800 lao động và đem lại nguồn thu đáng kể cho địa phương, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số.

Chị Nguyễn Trần Lam- một trong những lữ hành đến từ TP. Nha Trang cho biết: “Tôi đã đến nhiều nơi nhưng không thể quên được hình ảnh những cô gái Jrai, Bahnar xinh đẹp đánh cồng chiêng, múa xoang bên ánh lửa bập bùng. Quên sao được hương vị rượu cần, tiếng đàn T’rưng, tiếng suối nước réo rắt… Tuy vậy đường đến với những khu du lịch còn khó khăn, đặc biệt là đường lên Tây Nguyên xuống cấp quá, việc quảng bá, giới thiệu cũng chưa được các địa phương coi trọng...”.

Để phát triển nền “Công nghiệp không khói”, thiết nghĩ, chính quyền các địa phương cần liên thông, liên kết và chọn “điểm nhấn” phù hợp, đầu tư hơn nữa cơ sở hạ tầng, nhất là “con đường xanh” để du khách đến với Tây Nguyên, đến với mảnh đất huyền thoại và yêu mến Tây Nguyên nhiều hơn.

Quang Hồi

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.